00:00 Số lượt truy cập: 3193573

Chị Hoài làm kinh tế giỏi 

Được đăng : 03/11/2016

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nơi đất cằn sỏi đá, đến nay gia đình chị Trần Thị Hoài ở thôn Giả Dìa, Thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì đã có một cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình, đồng thời nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn.


Được đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ của Thị trấn Yến Lạc đưa đi thăm mô hình kinh tế trang trại tổng hợp mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng của gia đình hội viên Trần Thị Hoài, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí và nghị lực của chị trong việc thực hiện đa dạng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia, từng bước xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu một cách chính đáng.

Năm 2000, chị cùng gia đình chuyển đến định cư tại thôn Giả Dìa. Với đồng vốn ít ỏi tích góp bấy lâu của gia đình, chị cũng mở được một sạp hàng tạp hóa phục vụ cho học sinh ngoại trú quanh khu vực sinh sống, thế nhưng buôn bán quanh năm mà cũng chẳng dư dật là bao. Có đất, nhưng lại không sản xuất nông nghiệp được, bởi chất đất khô cằn, không màu mỡ, lại thiếu nước tưới tiêu nên cũng chẳng thể trồng cây gì.

Chị em trong chi hội phụ nữ đến tham quan mô hình nuôi lơn nái cho thu nhập cao của chị Hoài
Chị em trong chi hội phụ nữ đến tham quan mô hình nuôi lợn nái cho thu nhập cao của chị Hoài

Vốn tính hay lam hay làm, chị Hoài bàn bạc cùng gia đình huy động toàn bộ số vốn mình đang có, đồng thời thông qua Tổ tiết kiệm của Hội Phụ nữ ở cơ sở, chị mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện để đầu tư vào mô hình nuôi lợn nái sinh sản, cung cấp cho các gia đình chăn nuôi ở trên địa bàn dân cư. Với 3 nái mẹ, một năm đẻ hai lứa bán ra thị trường, trừ chi phí đầu tư cũng cho thu nhập trên sáu chục triệu đồng.

Năm 2008, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi ở địa phương, do Hội Phụ nữ cơ sở phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức, chị Hoài mạnh dạn đăng ký tham gia để có bổ sung thêm kiến thức bảo vệ và chăm sóc cho đàn gia súc của gia đình phát triển và sinh sản tốt. Cũng từ các lớp tập huấn này, chị biết thêm về kỹ thuật nuôi nhím cho thu nhập cao tại thời điểm đó.

Sau khi đã tiếp thu được nhiều kiến thức chăn nuôi nhím qua sách báo, internet và các lớp tập huấn ở địa phương, chị Hoài cùng chồng lặn lội sang tận tỉnh Sơn La theo sự giới thiệu của nhiều người, tìm mua cho bằng được đôi nhím giống về để nuôi và chị đã thành công với mô hình này, trở thành cơ sở cung cấp nhím cho các hộ đầu tư chăn nuôi nhím ở địa phương. Từ mô hình nuôi nhím và lợn nái, kết hợp kinh doanh các mặt hàng tạp hóa, hằng năm đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Chị Hoài bên trang trại nuôi nhím của gia đình
Chị Hoài bên trang trại nuôi nhím của gia đình

Nhớ lại những năm tháng lăn lộn với các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Hoài chia sẻ cùng chúng tôi: Không cam chịu cái đói, cái nghèo cứ đeo bám lấy gia đình, vợ chồng tôi đã “xoay sở” hết mình, từ vay mượn anh em, bạn bè đến thế chấp tài sản vay ngân hàng để có được đồng vốn, đầu tư vào các mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, đến nay cơ bản kinh tế của gia đình đã ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày và nuôi các con ăn học đại học đầy đủ.

Khi đã có vốn trong tay, cộng thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi, chị Hoài lại ấp ủ đầu tư mô hình nuôi dúi trong năm 2012 này. Đây cũng là loài động vật hoang dã giống như con nhím, rất dễ nuôi, ít dịch bệnh mà nguồn thức ăn lại phong phú, chủ yếu là củ, quả các loại. Hiện nay trên thị trường tiêu thụ rất chuộng thực phẩm từ con dúi, nên hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao khi đầu tư chăn nuôi.

Thoát nghèo nhờ sức lao động cần cù, chịu khó và những hỗ trợ từ các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách và Xã hội. Chúc cho chị Hoài sẽ luôn thành công với các mô hình phát triển kinh tế của mình và là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, để nhiều hộ gia đình khác ở địa phương học hỏi và thực hiện làm theo./.