00:00 Số lượt truy cập: 2997117

Chi Hội trưởng nông dân năng động sáng tạo 

Được đăng : 03/11/2016

Với quyết tâm và hăng say làm giàu không cam chịu đói nghèo, gia đình ông đã đi lên từ mảnh đất hoang vu, đó là ông Trịnh Văn Tiến, Chi hội trưởng chi Hội Nông dân thôn 12 xã Đông Sơn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.


Sinh ra và lớn lên tại Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, năm 1981 ông tham gia quân ngũ. Sau 7 năm phục vụ tại ngũ, đến năm 1989 ra quân về địa phương và xây dựng gia đình. Năm 1993, ông vào vùng kinh tế mới Quèn Thờ, thị xã Tam Điệp khai hoang phát triển mô hình kinh tế VAC kết hợp với kinh doanh các mặt hàng nông sản.

Sau khi khai phá cải tạo đất, ông trồng các cây ngắn ngày như khoai sắn ngô xen với các cây dài ngày. Năng suất thu được lúc đầu không đảm bảo với công sức bỏ ra và đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Từ thực tế đó, ông trăn trở làm thế nào để cải thiện đời sống cho gia đình, thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Sau nhiều ngày đêm tìm tòi suy nghĩ, ông mạnh dạn đưa các cây con đặc sản vào nuôi trồng và phát triển quy mô trang trại như gà đồi, lợn thương phẩm. Nắm bắt nhu cầu thị trường ông vay vốn đầu tư nuôi nhím và hươu trong đó hươu lấy nhung và hươu sinh sản. Khi các con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao ông kết hợp tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân ở trong thôn.

Trao đổi với chúng tôi ông tâm sự: Trong sản xuất kinh doanh ông đã được xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp quan tâm đầu tư cho phát triển kinh tế đồi rừng tại khu vực quèn Thờ và xóm 12. Hệ thống đường giao thông đã được mở mang cải thiện rất nhiều nên tiêu thụ các hàng hóa thuận lợi. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp đã tạo điều kiện giúp vốn để ông đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trang trại của ông với diện tích 7ha, trong đó 3 ha trồng cây nguyên liệu (ngô, sắn, cây lấy gỗ, cây ăn quả...), 3 ha nuôi trồng thủy sản và 1 ha chuồng trại chăn nuôi các con đặc sản. Hiện nay, ông đang nuôi 40 con hươu, 250 nhím, 10 con ngựa, 35 lợn cắp nách, 30 con dê. Bên cạnh đó ông còn mở cửa hàng tiêu thụ thực phẩm đặc sản. Nhờ có cách sản xuất kết hợp kinh doanh theo mô hình VAC DR từ vườn, ao chuồng kết hợp với kinh doanh dịch vụ và bảo vệ rừng, trang trại tổng hợp đã có thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Năm 2012 tổng thu nhập của gia đình ông 300 triệu đồng. Năm 2013 đạt 400 triệu đồng và dự kiến 2014 ước đạt 500 triệu đồng. Khách tham quan không khỏi ngưỡng mộ, thán phục, nơi thâm cùng, sơn cốc này lại có mô hình VAC DR điển hình, hiệu quả như vậy.

Để đẩy mạnh chăn nuôi con đặc sản, ông nói vốn là động vật hoang dã nên chúng rất muốn hòa đồng với thiên nhiên. Muốn thành công thì ta phải cố gắng để sao cho được thuần hóa nuôi dưỡng, mà chúng vẫn được “vùng vẫy” như đang ở chốn hoang dã. Trước hết về thiết kế chuồng trại là khâu đầu tiên được ông quan tâm. Căn cứ vào tập tính sinh hoạt của mỗi loại mà có cách bố trí xây dựng chồng trại hợp lý. Nhìn chung, chuồng trại phải đạt mục đích, yêu cầu là chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, quản lý tốt, giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Sàn, nền, cửa, thành, mái và khung chuồng tùy điều kiện thực tế mà sử dụng vật liệu, kích thước cho phù hợp nhưng chuồng phải đảm bảo ấm về mùa đông và mát về mùa hè (tốt nhất là chuồng hướng đông - nam), tránh được mưa hắt, nắng chiếu trực tiếp và gió mạnh (phải có mái che), khô ráo, sạch sẽ, dễ dọn vệ sinh, tiện chăm sóc. Buổi sáng được đón ánh bình minh hay buổi chiều được ánh sáng mặt trời chiều muộn chiếu vào tiêu diệt ấu trùng của các loại côn trùng gây hại con nuôi. Đối với chuồng dê phải khô thoáng, không để bết lông. Với con trâu, bò và những con nuôi đã được thuần hóa bao đời nay, chúng rất gần gũi với con người, không gật mình hay sợ sệt nên làm chuồng khác với chuồng hươu và các con đặc sản khác. Chuồng trâu, bò thì làm dốc vào phía bên trong. Chuồng các con đặc sản và hoang dã thì làm chuồng dốc ra phía ngoài. Điều này đơn giản là tạo chỗ nằm cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Nền chuồng tùy mỗi loại sử dụng một nguyên liệu khác nhau để bảo vệ sức khỏe con nuôi. Chuồng ngựa thì nền nên lát gạch để bảo vệ bộ móng. Chuồng dê phải có sàn cao ráo...

Thức ăn của mỗi loại phải nghiên cứu tập tính của chúng mà đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Được ăn no đủ là điều kiện tốt nhất để phòng trị bệnh cho con nuôi, nhất là con đặc sản. Những con ăn cỏ thì không nên lạm dụng tinh bột trong khẩu phần ăn của chúng. Đặc biệt mỗi khi bị bệnh, càng tăng tỷ lệ tinh bột trong khẩu phần ăn càng làm chúng bệnh nặng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nếu như trâu, bò, ngựa bị bệnh mà ăn tinh bột càng làm đầy hơi, khó tiêu. Một số loại như nhím, dê khi bị bệnh thông thường không nên quá lạm dụng thuốc điều trị mà có thể dùng thức ăn tự nhiên hoặc lá cây để điều trị bệnh. Đối với trị bệnh đường ruột của nhím cơ bản là dùng lá ổi, lá hồng xiêm, cây xương rồng .. cho chúng ăn rất hiệu quả, ít khi phải dùng đến thuốc tây để điều trị. Tuyến mồ hôi của con vật có kháng sinh, ta cần lưu ý vấn đề này. Khi có vết thương, tự chúng liếm vào đó để tránh ruồi nhặng đẻ trứng gây hại. Như vậy kinh nghiệm nhiều năm nuôi con đặc sản và gia súc ông đúc kết rằng động vật nói chung và con nuôi nói riêng, chúng rất muốn được gần gũi với thiên nhiên. Ta càng tạo điều kiện cho chúng gần gũi thiên nhiên thì chúng càng sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế được dịch bệnh. Hai vấn đề được đặt ra là chuồng trại và thức ăn sao cho phù hợp với tập tính sinh hoạt của mỗi loại là điều kiện đầu tiên giúp cho ông thành công phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp ở chốn rừng núi hoang vu.

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nuôi con đặc sản của gia đình ông Trịnh Văn Tiến.


Không chỉ làm giàu cho bản thân, mà điều đáng khâm phục là ông đã giúp đỡ nhiều nông dân thoát nghèo và trở thành hộ sản xuất giỏi. Mỗi năm trang trại tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Ông đứng ra tổ chức chia sẻ, rút kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt cho nhiều hội viên và nhân dân ngay tại trang trại và các mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh. Điều đặc biệt ở ông Tiến là không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, mà còn hỗ trợ giống vốn cho hội viên nông dân bằng cả niềm say mê và tâm huyết. Đến nay, ông hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, giống thỏ, cừu, dê và hươu trị giá gần 150 triệu đồng để các hộ đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng. Bên cạnh đó, ông hỗ trợ trên 120 triệu đồng, là người đi đầu trong phong trào làm đường giao thông, đường điện và làm nhà tình nghĩa của xã Đông Sơn góp phần thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Với cương vị là Chi Hội trưởng chi Hội Nông dân ông thường xuyên duy trì sinh hoạt đều đặn, tuyên truyền hội viên chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời giúp nhau phát triển kinh tế và làm giàu. Chi Hội Nông dân thôn 12 được các cấp Hội đánh giá là tổ chức Hội vững mạnh. Qua đề xuất của ông, được UBND xã đồng ý thành lập 3 tổ tự quản giữ gìn an ninh trật tự đi vào hoạt động có hiệu quả.

Từ kết quả đạt được trong những năm qua, gia đình ông đã được các cấp, các ngành khen thưởng ghi nhận.

Năm 2010: Được UBND tỉnh tặng bằng khen

Năm 2011: được Hội Nông dân thị xã tặng giấy khen

Năm 2012: được TW Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen.

Ông là đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2007 - 2012 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Năm 2014 ông là 1 trong 143 điển hình nông dân được về dự lễ tôn vinh điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Dương Viết Yên - Trưởng Ban Tuyên huấn HND tỉnh Ninh Bình