00:00 Số lượt truy cập: 2662289

Chị Thị Thuận làm giàu từ nuôi cá 

Được đăng : 03/11/2016
Chị Thị Thuận (người dân tộc M’nông) ở bon Đăng K’liêng, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp, Đắk Nông) không ngừng học hỏi để ước mơ làm giàu thành hiện thực trên chính mảnh đất mình đang sinh sống.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, tìm tòi và sáng tạo, sau 3 năm phát triển kinh tế bằng việc nuôi cá nước ngọt, đến nay, gia đình chị có nguồn thu nhập cao, ổn định cuộc sống, có điều kiện cho con ăn học.

Bể nuôi cá trê bằng lót bạt của gia đình chị Thuận cho thu nhập cao và ổn định. Ảnh: P.K

Năm 2013, gia đình chị Thuận mạnh dạn phá bỏ 1,5 sào diện tích cây điều kém hiệu quả để đào ao nuôi cá. Với gần 140 triệu đồng, chị cùng chồng thuê người đào 2 cái ao với diện tích mỗi ao là 500m2. Sau đó, 1 ao chị thả 70.000 con cá rô giống đầu vuông, ao kia thả 2,5 tạ cá các loại. Phần diện tích còn lại, chị áp dụng mô hình nuôi cá trê bằng bể lót bạt với tổng cộng 7.000 con cá giống.

Đây là một trong những mô hình mới, rất sáng tạo của chị, bởi nuôi cá trê trong bể bằng cách lót bạt tiết kiệm diện tích, đầu tư ban đầu và chi phí thức ăn. Người nuôi chỉ cần tận dụng gỗ tạp có sẵn, làm khung bao quanh rồi lót bằng bạt là có thể tạo được hồ nuôi. Nhờ cách làm này mà “ao nuôi” có thể di chuyển được, phù hợp với từng mùa cũng như nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên.

Cụ thể, đối với mùa khô, thời tiết nắng nóng, thì người nuôi có thể chuyển bể đến những khu vực có cây bóng mát, tránh ánh nắng trực tiếp gây ra các bệnh xuất huyết cho cá. Về mùa mưa, gia đình chị lại di chuyển bể đến khu thoáng mát, có ổ mối. Hàng đêm, gia đình dùng đèn điện có công suất thấp thắp sáng để thu hút mối và côn trùng làm thức ăn cho cá. Nhờ vậy, gia đình tiết kiệm được chi phí thức ăn, nhưng cá lại rất nhanh lớn, cho giá trị thương phẩm cao hơn.

Từ việc nuôi cá rô đầu vuông, cá trê, cá các loại, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị Thuận thu về gần 400 triệu đồng. Nhờ vậy cuộc sống của gia đình chị thoát được nghèo, vươn lên làm giàu, có điều kiện nuôi 4 đứa con ăn học tử tế. Hiện nay, gia đình chị đang cho 3 con đi học ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, còn con út ở với anh chị, đang theo học bậc tiểu học.

Chị Thị Thuận cho biết: “Khi mới bắt tay vào công việc, 2 vợ chồng cũng rất sợ thua lỗ, vì chưa có kinh nghiệm. Nhờ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật do hội nông dân xã tổ chức, nên tôi dần dần nắm bắt được kỹ thuật xử lý ao hồ trước khi thả cá giống. Bên cạnh đó, qua sách báo, mạng internet, cùng với kinh nghiệm học hỏi qua các mô hình tiên tiến nên tôi hiểu biết cách chăm sóc cá. Qua 3 năm nuôi, cá của gia đình chưa hề bị nhiễm dịch bệnh, phát triển tốt, cho thu nhập cao. Từ đó, gia đình ổn định cuộc sống, có điều kiện cho con cái ăn học tử tế, không phải “đói” cái chữ như bố mẹ”.

Ngoài nuôi cá rô, cá trê, hiện nay gia đình chị Thuận còn phát triển kinh tế theo mô hình trang trại đó là trồng các loại cây công nghiệp như bơ Booth, sầu riêng để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, anh chị còn xây dựng khu nhà trọ, sạp hàng gần chợ Quảng Tín để cho thuê.

Chị Thị Thuận cho biết: “Sở dĩ gia đình mình mạnh dạn đầu tư như vậy là để ổn định đời sống, làm giàu một cách bền vững. Trong trường hợp chăn nuôi, trồng trọt không gặp thuận lợi, mình lấy tiền từ cho thuê nhà trọ, sạp hàng để duy trì, tránh trường hợp trắng tay như một số người khác”.

Nói về sự vượt khó của vợ chồng chị Thị Thuận, ông Phan Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín cho hay: “Gia đình chị Thị Thuận là một trong những tấm gương làm kinh tế giỏi để cho nhiều người dân tộc sống tại chỗ noi theo. Là người đồng bào, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng với sự nỗ lực, chịu khó, sáng tạo, gia đình chị đã vươn lên làm giàu một cách chính đáng, xóa bỏ dần lối làm ăn thụ động, theo lối mòn như trước đây. Điều đáng khâm phục hơn, gia đình chị tạo mọi điều kiện cho con ăn học”.

Phạm Khánh - Đặng Hiền