Qua một số thông tin, tôi tìm đến khu tổ hợp trồng nấm của gia đình chị Đào Thị Thiện, Chủ nhiệm HTX SX- chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Quảng Hội (xã Quảng Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội.
Trước khi bước vào nghề trồng nấm, 4 bốn nhân khẩu trong gia đình chị dựa vào 7 sào lúa, đời sống khó khăn; lại thêm anh Trần Văn Sơn, chồng chị luôn bệnh tật ốm đau do nhiễm chất độc da cam. Một lần tình cờ xem tivi thấy chương trình phổ biến kỹ thuật trồng nấm, chị đã quyết tâm làm và đến Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) để học kỹ thuật. Với số vốn ít ỏi 2 triệu đồng và vay ngân hàng thêm 8 triệu đồng, chị đã đầu tư trồng nấm, bước đầu gặt hái được thành công. Năm đầu SX trừ chi phí chị thu lãi trên 50 triệu đồng. Chị Thiện đang giới thiệu sản phẩm nấm
Sau đó chị dần mở rộng diện tích trồng, đến nay khu tổ hợp trồng nấm rộng trên 5.300 m2, nuôi trồng 5 loại nấm gồm nấm rơm, sò, mỡ, linh chi, tai mèo. Năm 2011 vừa qua tổng thu nhập từ cây nấm của gia đình chị khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu, tạo việc làm cho 25 lao động.
Theo chị Thiện, nhu cầu sử dụng nấm rất lớn, sản phẩm của HTX chỉ đáp ứng một phần. Trong thời điểm hiện tại trên thị trường giá cả của các loại nấm thành phẩm vẫn ổn định với từng mức giá tùy theo từng loại; cụ thể giá nấm sò từ 35.000-50.000 đ/kg, nấm rơm từ 60.000-70.000 đ/kg, nấm linh chi từ 700.000-750.000 đ/kg...
HTX do chị làm Chủ nhiệm thường chuyên cung cấp các giống nấm cho gia đình khó khăn trong xã, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hướng dẫn thực hành công nghệ nuôi trồng nấm cho nông dân trong huyện, tổ chức cho xã viên đi tham quan các mô hình SX nấm giỏi. Ngoài ra HTX còn hợp tác với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, chế biến để phục vụ xuất ăn hàng không và tham gia thị trường XK nấm.
Do SX hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động, chị Đào Thị Thiện đã được TƯ Hội Nông dân VN, UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen... Ngoài ra chị còn vinh dự là 1 trong 7 phụ nữ được nhận giải thưởng “Chương trình phụ nữ sáng tạo” 2011...