Anh Lý Văn Tuấn, dân tộc Dao, xóm Làng Chẩu II, xã Thắng Quân (Yên Sơn) là một thanh niên điển hình có chí vươn lên làm giàu từ nuôi cá và trồng rừng.
Anh Tuấn tâm sự rằng, mới đầu chỉ định đi làm thuê, khi có vốn sẽ mở quán kinh doanh hàng tạp hóa. Nhưng đi nhiều, thấy bạn bè ở các vùng quê có đất đồi như mình họ làm kinh tế vững lắm, thế là mình học theo. Phải mất gần 4 tháng trời, một mình anh phát quang cỏ dại, trồng những mầm xanh đầu tiên trên đất cằn. Cứ như vậy, khắc phục khó khăn, kiên trì bảo vệ, chăm sóc rừng keo, đến nay, đồi keo hơn 6 ha được trồng từ năm 2000 đã cho khai thác, thu về hơn 100 triệu đồng.
Có vốn, có thêm kinh nghiệm trong sản xuất anh Tuấn đã đào 3 chiếc ao với diện tích hơn 6.000 m2 mặt nước để nuôi cá giống, cá thịt. Anh cho biết, khi làm mô hình này, anh phải đầu tư và học hỏi rất nhiều; mất thời gian nhất là nuôi cá giống. Cá mua từ trại giống về không phải loại cá nào cũng dễ dàng thích nghi được với môi trường của ao. Ngoài tham khảo các loại sách kỹ thuật chăm sóc cá, anh còn trực tiếp tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm những mô hình chăn nuôi cá ở tận tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng. Anh cho biết: “Cá giống ăn chủ yếu là cám sắn, cám gạo, cỏ và lá sắn, nên ngay thời gian đầu anh luôn chú trọng vệ sinh ao sạch sẽ và đảm bảo thức ăn cho cá không bị ẩm mốc”. Chính vì cẩn thận từ khâu chọn giống và chăm sóc kỹ lưỡng, đàn cá lớn nhanh và tăng trưởng tốt. Mỗi năm, anh thu được gần 40 triệu đồng từ bán cá giống và cá thịt. Ngoài ra, anh Tuấn còn gieo cấy 6 sào ruộng 2 vụ, mỗi năm nuôi gần 40 con lợn thịt. Tổng thu nhập bình quân hàng năm của gia đình anh đạt khoảng 60 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, anh luôn cùng trao đổi, hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi cá và trồng rừng cho các đoàn viên, thanh niên trong xã đến học tập, vươn lên làm giàu chính đáng.