Năm nay đã 71 tuổi, nhưng ông tư Xự vẫn tự tay tháo ráp giàn xới, chỉnh sửa ốc vít không thua trai tráng. “Già rồi. Mà, khoái quá thì cứ mần thôi” – ông cười khà khà. Máy xới “3 trong 1” này đã bán qua miệt Cao Lãnh được một chiếc 18 triệu đồng. Song, điều người ta chưa chịu là chỉnh bộ răng lại, khiến ông thử nghiệm lắp đặt một chiếc nữa. “Nhà nông mần rẫy, rất rành việc xới đất và vun liếp, họ đều ưng ý với chiếc máy này. Còn chạy đào mương thì tạm thời, do độ sâu chỉ mới 2,5 tấc là cạn quá, phải từ 3 tấc đến 4 tấc, hoặc 5 tấc lại càng tốt” – ông tư Xự giải thích. Công dụng mương đào là để chứa nước tưới, vừa làm nhiệm vụ thoát úng. Do vậy, nó phát huy được cả mùa nắng và mùa mưa. “Muốn đào mương 1 công đất rẫy phải mướn 8 người, mần cật lực trong một ngày mới rồi. Trong khi đó, máy xới “3 trong 1” của tui chỉ cần 1 người điều khiển, chi phí đương nhiên rẻ hơn” – ông tự tin.
Sáng tạo giàn xới “3 trong 1”.
Đầu tháng 6 này, ông tư Xự đã bán cho UBND tỉnh Đồng Tháp được 5 chiếc máy xới “không bánh” chuyên để xới đất phục vụ trồng rau màu và làm vườn, với giá khoảng 15 triệu đồng/chiếc. Hiện tại, ông còn đang lắp đặt tiếp 5 chiếc nữa để bán qua Đồng Tháp. “Lãnh đạo tỉnh bên đó mua về tặng cho mỗi Hội Làm vườn một chiếc, dùng để xới gốc xoài vô phân và xới đất liếp trồng rẫy” – ông cho hay. Đó là sáng tạo thành công cách nay hơn 4 năm, ông đã cung ứng trên 200 chiếc về khu vực Khánh Hòa, Mỹ Đức (huyện Châu Phú), vùng Đồng Tháp Mười. “Nếu mướn 5 người cuốc tối ngày chỉ được một công đất, giá mướn 150.000 đ/người/ngày. Máy xới chấp 20 người cuốc đất xem đằng nào lợi hơn” – ông tư Xự so sánh. Có máy xới không sợ khan hiếm nhân công, vả lại đất trồng rẫy xới không giống như đất trồng lúa. Dân trồng rẫy rất “khó tính” khi xới đất liếp, không muốn để lại dấu vết trên mặt đất. Như vậy, chiếc máy xới “không bánh” ra đời từ ý tưởng đó, nhiều người ủng hộ và nhiệt tình đón nhận.
Từ miệt cù lao Kiến An, ông tư Xự lặn lội lên tới Thủ Đức, tìm mua sườn máy xới loại nhỏ nhất và không cần đầu máy chạy. Khi đem về, ông tháo hết 2 bánh, giàn xới bán lại… đồ món; rồi nhờ thợ rèn đúc bộ răng mới theo ý mình, lắp đặt máy nổ 6,5 ngựa; còn bộ nhông và hộp số vẫn tiếp tục tận dụng. “Máy xới hoạt động bình thường, bộ răng xới lăn thay cho hai bánh, không để lại dấu vết trên liếp theo ý muốn của chủ đất. Mấy năm nay, tui còn nghĩ ra cách xoay tay lái ngang hông, máy vẫn chạy thẳng tắp” – ông cho biết. Bởi lẽ, dân trồng rẫy vùng Đồng Tháp Mười đòi người cầm máy xới phải lội mương, để mặt đất liếp xới xong không bị dằn nén. Và từ đây, ông lại tiếp tục nghĩ ra cách thay răng xới “3 trong 1”. “Nhờ được tiếp cận với thầy cô ở các viện, trường, rồi nghe bạn nhà nông các nơi nói ý tưởng nên tôi về nhà bày ra mần. Xong cách này, lại nghĩ ra cách khác, miễn sao có lợi cho nông dân là mần” – ông tư Xự thú thiệt. Các “sáng tạo” của ông đều trình làng, mời bà con đến coi, không giấu giếm.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, ông tư Xự đã có nhiều “công trình” để đời, như: Cải tiến máy cắt cỏ cầm tay dùng tưới rẫy, máy đánh rãnh đường nước trên đất lúa, dưa hấu bò giàn... Bây giờ, cho ra đời máy xới “3 trong 1” và sáng tạo từ chiếc máy xới “không bánh”. Vậy mà, trong tay ông vẫn chưa có một bằng sáng chế hay giấy chứng nhận do cơ quan chuyên ngành cấp. Nhắc tới chuyện này, ông trầm tư: “Nói cho ngay, mấy chú, mấy cô bên Sở Khoa học – Công nghệ An Giang và Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn An Giang có hướng dẫn, song tại tui hổng có nghĩ lợi lộc gì khác. Già cả rồi”. Do vậy, chiếc máy tưới rẫy cầm tay, máy đánh rãnh đường nước, trồng dưa hấu trên giàn… ít có người biết đến “sản phẩm” sáng tạo của ông. Tuy nhiên, chiếc máy xới “không bánh” và tính năng “3 trong 1” này, chắc khó ai lấy được nghề. Thấy trước mắt, nhưng không hẳn làm theo được, bởi đây là “bửu bối” để nuôi sống ông lúc tuổi xế chiều.
Nói đến chuyện kỹ thuật, ông tư Xự rất hào hứng: “Bà con mình quên mất câu nói “nắng tủ thưa – mưa tủ dày (rơm rạ)”, rồi ít chịu bón phân cân đối nên dễ thất bại. Chi phí đội lên cao, gặp lúc giá bán xuống thấp bị lỗ ngay. Còn việc ứng dụng máy móc cũng là một cách để giảm giá thành sản xuất”. Với kinh nghiệm của mình, 4.5002 đất trồng rau màu, ông tư Xự dám cầm chắc trong tay 80 triệu đồng/công/năm.