Người lính giữa đời thường Đến thăm gia đình ông Tương, dù trời rét cắt da thịt nhưng chúng tôi vẫn thấy ông dầm nửa người dưới ao, thoăn thoắt cùng thanh niên trong xóm quăng lưới đánh hết mẻ cá này đến mẻ cá khác. Ông Tương vốn là đại tá quân đội, Trưởng phòng Tuyên huấn của Quân đoàn I (Binh đoàn Quyết Thắng). Năm 2000, ông nghỉ hưu, về Phú Lễ, tận mắt chứng kiến cảnh bà con vẫn đói nghèo, ông không khỏi trăn trở. Lúc ông Tương nghỉ hưu cũng là thời điểm Huyện uỷ Hải Hậu ra nghị quyết chỉ đạo nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa, làm muối năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản. Lúc đầu người dân đón nhận không mấy mặn mà. Đối với họ, ngoài lúa, làm muối, những khái niệm về dồn điền đổi thửa, nuôi trồng thủy sản còn khá mới mẻ, xa lạ. Liệu con cá, con tôm có đem lại cho họ cơ hội thoát nghèo? Thế mới có chuyện dù đã được xã tổ chức cho đi tham quan mô hình, nghe giới thiệu, tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi cá, tôm công nghiệp, vậy mà đến khi quy hoạch, 11 hộ thực hiện chuyển đổi đợt đầu thì cả 11 hộ lần lượt xin rút vì cảm thấy không an toàn. Nhưng ông Tương và các đảng viên trong Chi bộ lại nghĩ khác! Họp bàn, phân tích, xem xét thấu đáo vấn đề, ông và các đảng viên nhận định, lúc này chuyển đổi phương thức, tập quán sản xuất chính là con đường tất yếu, là cơ hội để thoát nghèo. Việc người dân không mặn mà với chủ trương chuyển đổi là do chưa được kiểm chứng qua thực tiễn. Từ đó, ông Tương nêu ý kiến, để đưa được nghị quyết vào cuộc sống thì chỉ có cách bản thân cán bộ, đảng viên phải đi trước. Vậy là, ông và 9 cán bộ, đảng viên khác trong thôn quyết định làm đơn xin UBND xã cho thực hiện chuyển đổi. Mô hình được ông và các gia đình lựa chọn là đào ao thả cá, trên bờ trồng các loại hoa màu, cây cảnh. Xác định đầu ra cho sản phẩm là yếu tố quyết định thành bại nên chỉ sau 3 tháng thả cá giống, ông Tương đã đôn đáo khắp nơi tìm kiếm thị trường. Không phụ công người, những con cá trong ao cũng lớn nhanh. Chiến công thầm lặng Đến cuối vụ, kết quả thu được khiến nhiều người phải bất ngờ. Riêng sản lượng cá của 7 hộ nuôi xen canh đã đạt 16 tấn, trong đó có 12 tấn cá rô phi hồng, 4 tấn cá truyền thống, thu xấp xỉ 300 triệu đồng. Bài toán kinh tế khi chuyển đổi mô hình sản xuất đã được giải. Tính ra một hécta mặt nước nuôi cá xen canh thu khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 80 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, vụ sau, 64 hộ dân trong thôn Phù Lễ huy động vốn tham gia chuyển đổi, diện tích chuyển đổi cũng tăng thêm, từ hơn 12 mẫu lên 63 mẫu. Không dừng ở đó, phong trào chuyển đổi dần lan rộng khắp xã Hải Châu và các vùng lân cận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tương còn vận động bà con trong xóm chăm lo đến việc học hành của con em. Bằng những chiến công thầm lặng trên mặt trận lao động sản xuất, ông Tương đã cho thấy người lính của Binh đoàn Quyến Thắng năm xưa không chỉ anh dũng trong chiến đấu mà còn luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo. |