Chiến lược cho sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam
Được đăng : 03/11/2016
Việt Nam là nước sản xuất lúa đứng thứ 5 trên thế giới, với sản lượng hàng năm trên 35 triệu tấn (năm 2008 đạt 38,7 triệu tấn). Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với sản lượng từ 4,5 đến 5 triệu tấn/năm. Riêng năm 2009, dự kiến xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 6 triệu tấn. Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học “Cây lúa Việt Nam” ở tỉnh Hậu Giang mới đây, nhiều vấn đề quan tâm nhất của các nhà khoa học là sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức và bất cập, đòi hỏi cần phải có giải pháp chiến lược để sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững trong hội nhập.
Thành tựu và thách thức
Trong những năm qua, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển giống lúa đáp ứng cả hai yêu cầu về an toàn lương thực và có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng nông sản, gia tăng thu nhập cho người trồng lúa. Thách thức đặt ra là diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm dần do tốc độ đô thị hóa, nhưng sản lượng lúa phải tăng gấp đôi vào năm 2050 mới đáp ứng nhu cầu. Trong chiến lược cải tiến giống lúa ở ĐBSCL, đã hình thành các giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng ngắn (90-100 ngày), làm gia tăng diện tích gieo trồng từ 3,8- 4 triệu ha với sản lượng khoảng 20 triệu tấn/năm. Hình thành các giống chống chịu với rầy nâu, bệnh đạo ôn, cải tiến phẩm chất gạo như: hàm lượng amylose, độ trong suốt hạt gạo, mùi thơm. Ứng dụng kỹ thuật máy sạ hàng " 3 giảm 3 tăng", nên mật độ sạ có thể giảm đến 50 kg/ha.
Tuy nhiên, nhiều bất cập và trở ngại của vùng lúa này còn lớn và đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết, đó là làm sao duy trì được diện tích trồng lúa, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất cho người nông dân; Hạn chế tối đa rủi ro do thiên tai, bệnh tật gây ra cho cây lúa. Bên cạnh phát triển các giống lúa được lai tạo trong nước, các giống lúa lai cũng phát triển mạnh ở miền Bắc với diện tích khoảng 600.000 ha/năm, cho năng suất từ 6,5 - 9 tấn/ha, cũng là một tín hiệu vui cho nghề trồng lúa. PGS.TS Phạm Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT cũng đã nêu ra những thách thức mà người sản xuất đến các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải quan tâm như: Hiện nay, chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên biệt điều chỉnh lĩnh vực này; Nhận thức về vai trò của sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lượng thực (ANLT ) của một số ngành, địa phương, cơ sở chưa thấu đáo, còn có tư tưởng chủ quan, không quan tâm đúng mức đến vấn đề sản xuất lương thực; Trong một thời gian dài việc quy hoạch và quản lý sử dụng đất sản xuất cây lương thực mà đặc biệt đối với đất trồng lúa chưa chặt chẽ, kiên quyết, thạm chí có nơi buông lỏng; Diện tích lúa hiện đang giảm nhanh để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Ruộng đất mạnh mún, nhỏ lẻ làm hạn chế sự đầu tư thâm canh cơ giới hóa...
Ngoài ra, công nghệ sản xuất lúa ở nước ta chậm đổi mới, theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Đức, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN&PTNT cho rằng, tình trạng khan hiếm nhân lực cho sản xuất nông nghiệp xảy ra phổ biến từ khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Tại ĐBSCL, giá nhân công tăng mạnh trong vài năm gần đây, làm chi phí sản xuất lúa gạo lên cao. Đặc biệt, tổn thất khi thu hoạch và sau thu hoạch với số lượng lúa gạo rất lớn (11-13%) tập trung ở các khâu phơi sấy, bảo quản, xay xát và chế biến. Tổn thất về chất lượng nông sản, làm giảm giá trị thương phẩm từ 10-20%. Cơ giới hóa sản xuất lúa Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 1950, nhưng tốc độ phát triển rất chậm và không ổn định, do cơ chế bao cấp. Theo thống kê của Cục Chế biến và Thương mại nông lâm thủy sản và ngành muối, mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa khâu làm đất đạt 72%, gieo cấy 20%, tưới tiêu 86%, phun thuốc trừ sâu 20%, thu hoạch (vùng ĐBSCL) 20%, đập tuốt 84%, vận chuyển 66%, xay xát gạo 95%, sấy lúa vụ Hè thu ĐBSCL là 38,7%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: Hạn chế trong cơ giới hóa do bình quân đất lúa trên đầu người thấp, kết cấu hạ tầng nông thôn kém phát triển, cơ giới hóa khó khăn, quá trình tích tụ ruộng đất để đạt mức hạn điền 6 ha còn chậm. Lao động nông nghiệp tại nông thôn dôi dư còn lớn. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm giảm diện tích đất trồng lúa. Thu hoạch thủ công thất thoát rơi rụng còn lớn, thiếu phương tiện sấy khô kịp thời, nhất là trong mùa mưa; công nghệ sấy tĩnh vỉ ngang lạc hậu; tồn trữ hảo khí hạt lúa và hạt gạo gây thất thoát lớn; xay xát ở ẩm độ cao (15-17%), thu hồi tỷ lệ gạo nguyên thấp. Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực không hình thành được vùng nguyên liệu tập trung cho chính mình. Công nghệ hạt giống yếu kém, hiện có hàng trăm giống lúa phục vụ sản xuất đại trà, nhưng chưa có một giống lúa nào do các nhà khoa học Việt Nam lai tạo chọn lọc có chất lượng cao và nổi tiếng thế giới như giống Basmati của Ấn Độ.
Phải quan tâm đến người trồng lúa
Nông dân Việt Nam thường xuyên phải đối phó với những bất ổn về thiên tai và biến động về giá cả thị trường, từ nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm được làm ra… nhưng chưa có chính sách đồng bộ để người làm ra lương thực có thu nhập ổn định, không thua thiệt với người sản xuất khác. Vì vậy, ở vào những thời điểm giá cả xuống thấp, sản xuất lúa bị lỗ (thường trong vụ hè thu) nên có nhiều nông dân không sống nổi với nghề trồng lúa, phải bỏ ruộng đi làm nghề khác.
Theo Tiến sỹ Phạm Văn Dự, trong chiến lược sản xuất và xuất khẩu lúa gạo tới đây, các doanh nghiệp cần thay đổi dần phương thức thu mua và chế biến tiến đến xây dựng các vùng nguyên liệu kết hợp với việc xây dựng thương hiệu, đây cũng là trách nhiệm của nhà xuất khẩu đang có nguồn thu rất lớn từ xuất khẩu gạo, cho nên cần đóng góp xây dựng vùng nguyên liệu cho mình bền vững hơn (kể cả cho nông dân) thay vì cứ thu mua gạo trôi nổi hoàn toàn không kiểm soát được hơn 50% chất lượng từ hạt lúa. Qui trình xuất khẩu gạo hiện nay đang bộc lộ ra nhiều bất cập và sẽ trở thành thách thức cho các nhà xuất khẩu gạo,vì vậy nhà xuất gạo nên thâm nhập vào hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu thì sẽ có những cải thiên tốt hơn.
Để nông dân tiếp cận nhanh cơ giới hóa sản xuất lúa, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Chín đưa ra giải pháp là tăng nhanh số lượng máy gặt đập liên hợp để giảm hao hụt, gia tăng sản lượng, thay thế quá trình cắt, gom, suốt thủ công. Từng tỉnh nên hình thành chính sách hỗ trợ thiết thực, như hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng để cho nông dân sản xuất nhỏ vay vốn trong một vài năm, nhằm sửa chữa hoặc xây mới sân phơi, lập lều di động phơi chạy mộng cho lúa trong mùa mưa. Nhà nước Trung ương cùng địa phương tổ chức đầu tư các khu phơi sấy, tồn trữ, xay xát, chế biến lúa gạo hiện đại theo phương thức kinh doanh dịch vụ để đảm bảo tính bền vững lâu dài. Các công ty kinh doanh lương thực nên hình thành các vùng nguyên liệu tập trung cho chính mình. Những nông dân cá thể nên hùn đất lại với nhau, hùn vốn để hình thành những công ty sản xuất lúa gạo với kỹ thuật tiên tiến trên quy mô trang trại rộng lớn. Trên cơ sở đó, chọn trong những giống lúa hiện có, gieo trồng một giống lúa cho mỗi công ty để chế biến ra sản phẩm gạo thương hiệu nổi tiếng cho chính mình. Nếu không tìm được giống nào ưng ý trong hàng trăm giống hiện có, thì đặt hàng các nhà di truyền giống lai tạo chọn lọc giống lúa theo yêu cầu của mình. Doanh nghiệp đặt hàng các công ty giống nhân giống và cung cấp hạt giống xác nhận cho vùng nguyên liệu của mình, vì quá trình này sẽ khích lệ công nghệ hạt giống phát triển. Các giải pháp kỹ thuật từ khi gieo trồng cho đến khi thu hoạch cần được nghiên cứu xây dựng một cách khoa học trên cơ sở áp dụng rộng rãi chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Sắp xếp lại thời vụ một cách khoa học trong vùng, bỏ hẳn vụ lúa Xuân hè, cách ly khoảng một vài tuần gieo sạ trong các vụ, quản lý bằng biện pháp sinh học để hạn chế thấp nhất tác hại của sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ lúa mùa sang lúa cao sản. Quản lý một cách khoa học các hóa chất nông nghiệp trong trồng lúa, không để hạt gạo nhiễm bẩn các hóa chất nông nghiệp...
Còn Tiến sĩ Nguyễn Duy Đức cho rằng, cần kết hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tích tụ tập trung với việc tổ chức lại sản xuất. Cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thích nghi với việc áp dụng cơ giới hóa. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các mô hình tổ chức quản lý thích hợp với từng vùng, từ đó có giải pháp xây dựng và nhân rộng trong cả nước. Trước mắt, cần có các cơ chế chính sách thích hợp nhằm thúc đẩy xây dựng các công trình thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, đẩy nhanh việc dồn điền đổi thửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn là bước đi đầu tiên và cấp bách thúc đẩy quá trình cơ giới hóa. Cần có các chính sách thích hợp để hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đầu tư chế tạo máy móc thiết bị, người sử dụng cơ giới hóa nhằm đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa sản xuất lúa, góp phần thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Các chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, nhưng chất lượng hạt gạo rất kém làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu hạt gạo. Thêm vào đó, năng suất lúa của vùng đang có nguy cơ chựng lại do mức đầu tư đã quá giới hạn chịu đựng của nông dân. Nếu không giải quyết tốt khâu tiêu thụ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đảm bảo ANLT và xuất khẩu. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, năm 2009 sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL khoảng 20,63 triệu tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2008. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: “Thành tựu trong sản xuất lúa gạo Việt Nam là khống chế được rầy nâu, bệnh vàng lùn... cơ cấu giống lúa dần ổn định, chất lượng hạt gạo cũng cải thiện dù so với nhu cầu chưa đạt. Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất lúa của nông dân cũng được nâng lên rõ rệt”. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Vấn đề này phải bắt đầu từ cánh đồng 1 giống và vùng sản xuất ổn định. Quan trọng hơn là có doanh nghiệp đặt hàng dài hạn với nông dân để họ an tâm đầu ra, khi người trồng lúa gắn bó chặt chẽ với đồng ruộng của mình, tiềm năng phát triển sẽ được khai thác triệt để và tạo nên diện mạo mới cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế./.