Chín tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã vượt 1,2 tỉ USD, ước tính cả năm đạt 1,5 tỉ USD. Nhu cầu thị trường thế giới đối với sản phẩm cá tra đang tăng khiến giá nguyên liệu trong nước có dịp… nổi sóng. Điều đáng nói là cơn "sóng" này hỗ trợ cho sản xuất, xuất khẩu thì ít mà đẩy người nuôi "chìm" thì nhiều.
Giá cá bấp bênh Sau những cố gắng, nỗ lực của nước ta trong việc đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và giảm thuế chống bán phá giá ở Hoa Kỳ, nhiều khu vực nuôi cá tra nguyên liệu trong nước nhận được chứng nhận của Global GAP, SQF 1000, Aqua GAP, BAP, FOS… đã nâng cao thương hiệu và lợi thế cạnh tranh cho cá tra Việt Nam. Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2011 có thể vượt mức 1,5 tỉ USD do nhu cầu từ các thị trường tiêu thụ loại cá này rất ổn định, bất chấp kinh tế thế giới đang khó khăn. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước vượt 1,2 tỉ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, EU là thị trường có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 26,9% kim ngạch xuất khẩu; kế đến là Hoa Kỳ 16,9%; Brazil và Ảrập-Xêút mặc dù chiếm chưa đến 4% nhưng tốc độ tăng trưởng khá cao, lần lượt là 137% và 45,2%. Tuy xuất khẩu với những con số khả quan, nhưng nhìn vào thực trạng ngành sản xuất, chế biến cá tra, từ khâu nuôi, thu mua, chế biến đến xuất khẩu... còn quá nhiều vấn đề. Theo VASEP, ngay từ đầu năm nay, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, giá cá tra có xu hướng tăng dần, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu. Thời điểm đó, giá cá tra nguyên liệu lên đến 25.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà máy chế biến vẫn phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất vì thiếu nguyên liệu. Đến cuối tháng 4/2011, giá đã tăng vọt lên mức kỷ lục 29.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tuần, giá cá tra đã bất ngờ đảo chiều, tại nhiều nơi ở ĐBSCL, giá giảm xuống chỉ còn 26.000-26.500 đồng/kg… Đến đầu tháng 8, giá cá tra có loại đã rớt chỉ còn 20.000 đồng/kg. Tháng 9, giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại và từ đầu tháng 10/2011 đến nay, giá cá nguyên liệu tại vùng ĐBSCL lại tăng mạnh từ 24.000 đồng/kg lên 27.000 đồng/kg. Quan trọng là tạo mối gắn kết VASEP cho rằng, đây là hệ quả của việc thiếu quy hoạch nguồn cá nguyên liệu. Cụ thể, tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ưu tiên sử dụng nguồn cá nguyên liệu của doanh nghiệp tự nuôi, trong khi đây cũng là thời điểm cá đến kỳ thu hoạch trong dân tăng, cộng thêm sức ép trả nợ vay ngân hàng và chi phí thức ăn nuôi cá tăng, trong khi giá bán cá ngày một đi xuống nên ai cũng muốn bán ngay… tất cả tạo lực đẩy giá cá tra lao dốc. Kết quả là nhiều nông dân thua lỗ nặng và tình trạng "treo" ao tái diễn trên diện rộng. Thực ra, nguồn cung chỉ vượt cầu trong một giai đoạn ngắn, là hệ quả của việc thiếu sự hợp tác giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến, còn về cơ bản thì thiếu nguyên liệu vẫn là câu chuyện dai dẳng. Được biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã tự xây dựng vùng nuôi cá tra dù vốn đầu tư khá lớn. Ví dụ, với nhà máy có công suất chế biến khoảng 200 tấn cá/ngày, mỗi năm phải có 70.000 tấn cá nguyên liệu thì vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Vì vậy, nguồn cung nguyên liệu vẫn phải phụ thuộc vào dân. Nếu nông dân giãn, ngừng nuôi cá thì nhà máy luôn trong tình trạng đói nguyên liệu kéo dài. Nhìn tổng thể, nguồn cung nguyên liệu trong năm nay không đủ cho nhu cầu sản xuất, diện tích thả nuôi của một số tỉnh trọng điểm đều giảm. Cụ thể, theo số liệu của Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL, vào thời điểm ngày 28/9/2011, toàn tỉnh đã thu hoạch 280.388 tấn cá tra, đạt 93,5% kế hoạch năm, trong khi diện tích thả nuôi chỉ là 1.409ha, đạt 70,5% kế hoạch năm và diện tích treo ao là 94,7ha. Từ đầu tháng 10/2011 đến nay giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng mạnh nhưng người dân không còn nhiều cá để bán và có vẻ họ cũng không mặn mà để tiếp tục thả nuôi khi mà bài học bị ép giá hồi đầu tháng 5 còn quá mới, đặc biệt trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao thì rủi ro đối với người nuôi từ việc giá cá tra bấp bênh là rất lớn. Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang chia sẻ: "Giá cá tra nguyên liệu tăng chưa phải là điều đáng mừng mà quan trọng hơn là tạo mối gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp để đồng thời cùng ổn định và phát triển bền vững nghề nuôi cá tra". |