Chính phủ lo giữ đất trồng lúa
Được đăng : 03/11/2016
Lo ngại trước tình hình đất lúa bị mất dần trong quá trình CNH-HĐH, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/4 đã ký Quyết định 391/QĐ-TTg yêu cầu rà soát, kiểm tra đất đai trên toàn quốc. Trong đó, chú trọng đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nước nói riêng.
Quyết định nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đối chiếu với báo cáo rà soát, kiểm tra thực trạng quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010 trên địa bàn cả nước.
Ở mỗi miền, đoàn công tác cần lựa chọn 5 tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp để thực hiện. Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc kiểm tra phải thực hiện ở cả cấp huyện, xã - đây là căn cứ đối chiếu với kết quả rà soát, kiểm tra chung của cả nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các địa phương không được xét duyệt quy hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp.
Trường hợp cần thiết phải chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nước sang mục đích khác, hoặc các dự án có ảnh hưởng đến khu vực đất sản xuất nông nghiệp liền kề, phải có các giải pháp sử dụng đất tiết kiệm và bảo đảm tính khả thi, an toàn cho sản xuất nông nghiệp. UBND các tỉnh, thành trực thuộc TƯ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt dự án.
Ngoài ra, lãnh đạo các tỉnh, thành phải kiểm tra việc sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, DN, dự án đầu tư trên địa bàn quản lý; phát hiện và kiên quyết thu hồi diện tích đất giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng; không sử dụng hoặc chậm sử dụng so với tiến độ của dự án, sử dụng không hiệu quả, sai mục đích; trường hợp có lý do chính đáng thì quyết định gia hạn và công khai quyết định gia hạn đó.Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong vòng 5 năm (2001-2005), tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp tới trên 366.000ha, chiếm 3,9% đất nông nghiệp đang sử dụng. Bình quân mỗi năm đất nông nghiệp bị thu trên 73.000ha.
Trong đó, vùng ĐBSH có số hộ bị thu hồi lớn nhất với khoảng 300.000 hộ, kế đến là vùng Đông Nam Bộ với trên 100.000 hộ. Hai địa phương có số hộ bị thu hồi đất lớn nhất là Hà Nội với 138.291 hộ và TP.HCM là 52.094 hộ.
Theo Cục HTX-PTNT (Bộ NN-PTNT), mỗi ha đất thu hồi ảnh hưởng tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm đã làm đời sống của 2,5 triệu người bị lung lay.