Phát biểu tại phiên thảo luận thứ 2 của QH về tình hình, nhiệm vụ KT - XH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cố gắng giải đáp những ý kiến bức xúc của đại biểu và cử tri. Ông cho hay, ngoài việc miễn thủy lợi phí, sắp tới, Chính phủ sẽ miễn phí an ninh quốc phòng, phí phòng chống lụt bão cho nông dân.
Trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu, cũng giống như ở phiên thảo luận thứ 6 tuần trước, các đại biểu bày tỏ bức xúc về việc giá cả tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân, nhất là đối với nông dân. Trong khi đó, người nông dân, đối tượng có thu nhập thấp còn phải chịu gánh nặng của nhiều loại phí.
“Mỗi năm, người dân cứ phải đóng góp trên dưới 30 khoản, nhiều lao động chính ở các làng quê đã phải bỏ nhà, bỏ đồng ruộng ra thành thị hoặc vào Nam, ra Bắc để kiếm sống. Ở nhiều thôn, bản chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em”, Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) phản ánh.
Tăng học bổng và mệnh giá bảo hiểm y tế cho người nghèo
Thừa nhận đại bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng bởi việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao và phân tích các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan - sự điều hành của Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện một số giải pháp quyết liệt để cải thiện đời sống nhân dân, nhất là dân nghèo.
"Với công nhân, công chức, người nghỉ hưu, Nhà nước sẽ tích cực triển khai lộ trình điều chỉnh tiền lương. Với nông dân, Chính phủ đã và đang cố gắng triển khai các giải pháp. Sẽ tìm mọi cách để giảm các khoản phí, lệ phí"
"Chính phủ đã công bố bãi bỏ 340 loại lệ phí không nằm trong danh mục Pháp lệnh về phí và lệ phí của Ủy ban Thường vụ QH đã công bố. Sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương, nếu có quy định các khoản phí, lệ phí nằm ngoài danh mục thì phải bỏ ngay", ông Ninh nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nói trước QH, sẽ tiếp tục rà soát các khoản phí, lệ phí trong danh mục để kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ hoặc miễn giảm cho nông dân. Ví dụ, miễn thủy lợi phí và sắp tới, Chính phủ sẽ miễn phí an ninh quốc phòng, phí phòng chống lụt bão.
"9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,32%, đây là chỉ số tương đối cao. Nguyên nhân, ngoài thiên tai dịch bệnh sức mua tăng, còn do sự điều hành của Chính phủ và những nguyên nhân khách quan. Trước hết, giá thị trường thế giới tăng cao trong suốt thời gian dài. Hầu hết các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đều tăng. Việt Nam phải nhập đến 80% nguyên liệu sản xuất sữa, thuốc trên 60%, phôi thép trên 60%". Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh |
Về các khoản đóng góp bắt buộc thì sẽ bỏ hoặc miễn cho nông dân, ông Ninh nói. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay, với những khoản đóng góp tự nguyện, Bộ đang đề nghị: "Cấp trên không giao chỉ tiêu cho cấp dưới, không quy định mức cần huy động đóng góp".
Ông Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai kiểm tra giám sát về giá cả.
Điện, đường: Nhà nước cam kết không bắt dân đóng góp
Cũng theo Bộ trưởng Ninh, đối với các dự án Nhà nước đã đầu tư ở trên địa bàn như điện, đường, trường, trạm thì từ nay trở đi Nhà nước sẽ cam kết không yêu cầu nông dân đóng góp.
“Ngân sách Nhà nước, ngân sách Trung ương sẽ đảm bảo tăng vốn đối ứng cho các tỉnh không tự túc được ngân sách, không cân đối được ngân sách để đóng góp vào việc xây dựng các công trình này theo chương trình kế hoạch, không phải huy động từ dân”, ông Ninh nói trước QH.
Ngoài ra, theo ông Ninh, việc huy động phục vụ cho một nhóm đối tượng hoặc một dòng họ phải trên tinh thần tự nguyện, tự họ thỏa thuận với nhau.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhắc đến vấn đề tăng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, trái phiếu để đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và nông dân, tiếp tục đầu tư các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình xóa đói, giảm nghèo.
“Các chương trình về mục tiêu quốc gia, Chương trình 134, 135 trong năm 2007, 2008 sẽ bố trí tăng từ 20 - 27%. Các chương trình khác Chính phủ đã tăng lên để đảm bảo cho các vùng nghèo này được tiếp cận với nguồn vốn, làm sao giảm bớt khó khăn, kể cả Chương trình cho vay giải quyết việc làm; cho vay đối với học sinh, sinh viên và các loại đối tượng ở vùng khó khăn”, ông Ninh hứa.
Đại biểu cần những phân tích "rõ nét" của Chính phủ
Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng đề nghị, Chính phủ phải tìm "rõ nét" các nguyên nhân và giải pháp. Ông cho rằng, trong số các giải pháp mà Chính phủ đưa ra, giải pháp cho nông nghiệp và nông thôn còn "mờ nhạt".
Đại biểu Trịnh Thị Nga đề nghị Chính phủ có đánh giá sâu hơn về việc chất lượng cuộc sống của đại bộ phận người dân có được cải thiện hay không, cải thiện đến mức nào. Bà khẳng định, với tốc độ tăng giá hiện nay, chất lượng này còn thấp.
Chính vì vậy, bà Nga cho rằng, cần đánh giá thực chất về các chỉ tiêu, con số, nhất là 21 chỉ tiêu mà Chính phủ cho là đã hoàn thành và vượt mức, trong đó có xóa đói giảm nghèo.
Theo bà Nga, vấn đề xoá đói giảm nghèo từ 18% năm 2006 và mục tiêu năm 2007 giảm còn 16%, Chính phủ nói đã vượt kế hoạch khi giảm tỷ lệ này xuống còn 14,7%.
“Nhưng thực chất có đúng như thế không? Vì hiện nay, định mức cho người nghèo thu nhập 200.000-250.000 đồng/người/tháng, chỉ tiêu đó là vượt ngưỡng nghèo, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng rất nhanh, đời sống của người dân vùng nông thôn. Do vậy, việc đặt ra 200.000 đồng/tháng thì thấy đời sống của họ về mặt thực chất quá khó. Tôi thấy chỉ tiêu 14,7% cần phải được đánh giá sâu hơn”.
Không gay gắt nhưng thẳng thắn, bà Nga cho rằng, tăng trưởng của đất nước không có tính bền vững. “Để đánh giá thực chất tăng trưởng với cuộc sống người dân, còn có một khoảng cách rất xa”.
Cần có hệ thống thu thập tiếng nói của dân
Nguồn nhân lực cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận. Đáng chú ý là ý kiến của ông Dương Trung Quốc.
“Trước kia, vài năm mới xây một cái cầu lớn, bây giờ chúng ta thấy không những chỉ cầu cống, mà biết bao những công trình xây dựng với vốn đầu tư ngày càng lớn mà tình trạng nhân lực như thế này thì tôi tin rằng sẽ có sự lặp lại như vụ sập cầu Cần Thơ”, ông Quốc lo lắng.
Ông Quốc cảnh báo: “Việc đào tạo bị xé lẻ ra, kỳ trước chúng ta đã từng thảo luận về Luật dạy nghề, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chúng ta thấy hình như chưa có một chiến lược, vẫn là sự phân tán, trong khi đó lao động chất lượng cao thì hầu như đang bị thu hút ra bên ngoài. Tình trạng này sẽ dẫn đến một tương lai không sáng sủa. Chúng ta sẽ phải nhập khẩu một nguồn nhân lực khá lớn ở nước ngoài vào những vị trí quan trọng, chất lượng cao”.
Nhắc đến vụ tiêu cực tại Đề án 112, ông Dương Trung Quốc nói, thông điệp quan trọng hơn cả vấn đề lãng phí hay tham nhũng chính là là “năng lực lắng nghe của những người lãnh đạo”.
“Khi triển khai đề án này, đã có không ít ý kiến của những người có trách nhiệm, có trình độ cảnh báo, nhưng tại sao Chính phủ không biết lắng nghe? Điều đó không những làm thất thoát đi rất nhiều trí tuệ của nhân dân, của tầng lớp trí thức, của những nhà chuyên môn mà đồng thời dẫn đến hậu quả "tiền mất tật mang" như chúng ta thấy”.
Rất từ tốn, nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị: “Chính phủ nên có một cơ chế, một hệ thống để có thể thu thập được tiếng nói của dân, tiếng nói của các nhà chuyên môn để điều chỉnh kịp thời, tránh những thất thoát và những thất bại như chúng ta đã thấy”.
Chiều nay (29/10) và sáng mai (30/10), đại biểu QH tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Các phiên thảo luận này đều được truyền hình trực tiếp.