Hỏi: Luật pháp có quy định như thế nào đối với việc đăng ký quyền đối với cây trồng?
Trả lời: Luật Sở hữu trí tuệ xác định giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tình trạng do kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định cụ thể việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng như sau:
Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý Nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng bao gồm:
Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình.
Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với cây trồng đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng quy định tại khoản này.