00:00 Số lượt truy cập: 3076959

Chính thức công bố nhãn hiệu chè Ba Vì 

Được đăng : 03/11/2016
Tối 14/10, tại Hà Nội, UBND huyện Ba Vì, TP Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chè Ba Vì được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Quyết định số 17407/QĐ-SHTT ngày 1/10/2010 chứng nhận nhãn hiệu chè Ba Vì.

Đó chính là kết quả của cả một quá trình dài xây dựng thương hiệu và từ nay chè Ba Vì được định danh để phát triển mạnh hơn trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến dự buổi lễ công bố có ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Ngô Thị Doãn Thanh- Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, ông Lê Quang Nhuệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, ông Nguyễn Huy Tưởng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trịnh Duy Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, và ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Xuân Hưng – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Cây chè và nghề trồng chè đã có ở Ba Vì từ lâu đời, trước đây chủ yếu là chế biến thủ công, sản phẩm chè làm ra được cung cấp cho nhu cầu thưởng thức của nhân dân trong vùng và khu vực. Đến năm 2007, nghề trồng và chế biến chè ở Ba Trại chính thức được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề chè Ba Trại. Những năm gần đây do áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các khâu: giống, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh; đặc biệt là trong khâu chế biến có nhiều thay đổi lớn, từ chế biến thủ công chuyển sang bằng công nghiệp và đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…; vì vậy diện tích, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của huyện Ba Vì tăng lên rõ rệt, khuyến khích các hộ, các điạ phương và doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển vùng chè.

Có thể nói, xây dựng thương hiệu sản phẩm chè Ba Vì là chiến lược nhìn xa trông rộng của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì, nhằm quảng bá thương hiệu chè Ba Vì với thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất,… nâng cao thu nhập cho người dân vùng trồng chè.

Hiện nay, huyện đã có 6 nhà máy chế biến chè và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công, tổng sản lượng năm 2009 đạt gần 3000 tấn. Sản lượng chè xuất khẩu mỗi năm của huyện đạt 50 - 60% tổng sản lượng chè của huyện, với các thị trường tiêu thụ như: Nhật Bản, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Anh, Trung Đông… Năm 2009 giá trị sản xuất chè của huyện ước đạt 160 tỷ đồng (trong đó xuất khẩu đạt khoảng 5 triệu USD).

Cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho hơn 10.000 người làm việc trong các nông trường, công ty chè và các hộ gia đình trong huyện, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Chè Ba Vì có đặc điểm là các giống chè trung du lá nhỏ, chè Ô Long, Kim Tuyên chất lượng cao, được trồng tập trung tại những vùng đất tơi xốp, hình thành trên các loại đá mẹ, mác ma, vàng đen của các xã miền núi và đồi gò của huyện Ba Vì.

Chè được trồng từ nguồn nước sạch, phân bón hợp lý, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có hương vị đậm đà, thơm ngon, đậm hương và ngọt hậu, lưu giữ hồn quê và mang bản sắc xứ Đoài.

Hiện nay các sản phẩm chính của chè Ba Vì là: chè xanh, chè đen các loại và chè ướp hương.

Huyện Ba Vì có “tham vọng” phấn đấu đến năm 2015 có diện tích trồng chè đạt 2.500ha, đến 2020 là 3.000 ha; năng suất bình quân chè búp tươi đạt 15 tấn/ha; giá trị sản xuất chè năm 2020 đạt 500 tỷ đồng (trong đó giá trị xuất khẩu là 25 triệu USD); tạo công ăn việc làm từ 1 vạn lao động của năm 2010 thành 3 vạn lao động năm 2020.

Phát biểu tại buổi lễ công nhận, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng khẳng định: Việc xây dựng thương hiệu chè Ba Vì là hướng đi đúng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho Ba Vì, là động lực thúc đẩy kinh tế huyện Ba Vì phát triển một cách bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đến nay, chè Ba Vì là sản phẩm thứ 3 của huyện được công nhận thương hiệu, bên cạnh nước khoáng Tản Viên, sữa Ba Vì. Các sản phẩm này đã và đang có mặt trên thị trường trong và ngoài nước được người tiêu dùng chấp nhận và đánh giá cao về chất lượng.

Theo đó, để chè Ba Vì ngày một phát triển bền vững, hiệu quả, khẳng định được thương hiệu, Phó Chủ tịch đề nghị, UBND huyện Ba Vì phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời quản lý chặt chẽ nhãn hiệu và logo chè Ba Vì; Rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng sản xuất chè, vùng chè sinh thái đã được quy hoạch, để tạo sự ổn định cho sản xuất; Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vùng quy hoạch tổ chức sản xuất có hiệu quả; quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư phát triển ngành chè của Ba Vì.

Bên cạnh đó, đối cới các doanh nghiệp, như Công ty CP chè Việt Mông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất ổn định, bền vững; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; đổi mới quy trình chế biến, nâng cao chất lượng chè; đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy chè Ba Vì phát triển.

Mặt khác, tại buổi lễ Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ NN&PTNT, các bộ ngành trung ương cũng như UBND TP Hà Nội và các sở ngành cùng chung tay, hỗ trợ để ngành sản xuất chè ở Ba Vì ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả.

Như vậy, thương hiệu chè Ba Vì nay đã được định danh và sẽ có nhiều cơ hội vươn xa hơn nữa.