00:00 Số lượt truy cập: 3076925

Cho thuê mặt nước biển NTTS: Phải chấp nhận lợi ích đan xen 

Được đăng : 03/11/2016
Thực hiện Quyết định 123 của Chính phủ về chủ trương cho ngư dân thuê diện tích mặt biển để nuôi trồng thủy sản, nhiều địa phương đã tiến hành làm việc này nhưng đối tượng được hưởng lợi không phải ngư dân mà là các doanh nghiệp nước ngoài. Để hiểu rõ hơn về chủ trương này, chúng tôi đã trao đổi với ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. ông Tám cho biết:

Thời gian qua, theo chủ trương của Chính phủ, một số địa phương đã thí điểm giao, cho thuê mặt biển ngắn hạn cho người nuôi trồng và khai thác thủy sản. Ngành thủy sản đã tiến hành thử nghiệm ở một số địa phương như Quảng Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang... Tuy nhiên, hiện việc thí điểm giao quyền sử dụng mặt nước dài hạn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Cụ thể khó khăn đó là gì, thưa ông?

Chúng ta phải thấy rằng, một vùng biển không phải là đối tượng sử dụng của riêng ngành thuỷ sản và cũng không phải chỉ ngư dân được hưởng lợi. Do đó, trên thực tế đã có một số địa phương khi giao mặt biển cho một ngành thì nảy sinh hiện tượng khai thác gấp và triệt để. Để giải quyết tình trạng này, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, lúc đó mới có thể chính thức triển khai cho thuê mặt nước biển và cấp giấy chứng nhận sử dụng dài hạn.

Như ông đã nói, mặt nước biển là đối tượng sử dụng chung của nhiều lĩnh vực, vậy làm thế nào để đảm bảo lợi ích cho từng đối tượng?

Ông cha ta có câu: “điền tư, ngư chung”. Mỗi khoảnh ruộng đều có bờ ngăn, nên dễ đảm bảo quyền sở hữu và lợi ích của từng gia đình nhưng dưới biển rất khó phân định, khó đảm bảo quyền hưởng lợi cho từng hộ. Chính vì vậy, từ hàng nghìn năm nay, người ta không dám chia quyền sử dụng mặt nước biển cho từng gia đình.

Vấn đề quan trọng là quản lý nhà nước phải cân đối nhu cầu lợi ích của các ngành, địa phương và đối tượng hưởng lợi. Việc này không phải một ngành quản lý được mà trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung của cả nước, xác định đúng các đối tượng (tổ chức, cá nhân) nào được hưởng lợi, sử dụng mặt biển. Đây là nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường là chính, còn Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ là một trong những ngành cùng gắn chung lợi ích biển với các ngành khác.

Về lâu dài, vấn đề này cần giải quyết như thế nào, thưa ông?

Muốn giao và cho thuê, trước hết phải tiến hành phân vùng chức năng như vùng biển, ven biển, hải đảo để xác định các mảng không gian, giúp định hướng cho quy hoạch khai thác và sử dụng trên phạm vi toàn quốc và cho từng vùng biển.

Trên đất liền có quy hoạch sử dụng đất thì dưới biển cũng phải có quy hoạch sử dụng biển, hải đảo, trong đó tính toán phương án sử dụng tối ưu, bao nhiêu diện tích giao cho ngành thuỷ sản, du lịch, giao thông và đương nhiên tất cả phải bố trí sao cho không ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên lâu dài.

Bên cạnh đó, từng bộ, ngành phải có quy hoạch riêng nhưng trên cơ sở chung là tối đa hiệu quả mặt nước biển để phát triển bền vững. Đồng thời, tránh sự chồng chéo, cạnh tranh một cách không lành mạnh.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, xin ông cho biết, Tổng cục Thủy sản sẽ có những chính sách gì nhằm đảm bảo các hoạt động này không vi phạm quy định về khai thác, sử dụng bền vững?

Đánh bắt thủy sản phải đảm bảo cho nguồn lợi luôn được tái tạo, chứ không thể khai thác theo kiểu tận diệt. Hiện, chúng tôi đang hoàn thiện Đề án xây dựng lực lượng kiểm ngư. Lực lượng này không chỉ kiểm tra các hoạt động của ngư dân và người nuôi trồng trên biển, mà còn phối hợp với lực lượng của các nước trong khu vực để tăng cường hợp tác nghề cá. Chúng ta sẽ cùng nhau xử lý những vấn đề phát sinh trên biển, khi có tàu cá nào vi phạm thì các nước phối hợp với nhau giải quyết, nhằm đảm bảo an ninh chung.

Xin cảm ơn ông!

Hơn 1.000ha mặt biển tại khu vực vịnh Vân Phong (Vạn Ninh - Khánh Hoà) được giao cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê dài hạn để nuôi trai lấy ngọc, nuôi cá. Tuy nhiên, chưa một người dân bản địa nào được cho thuê mặt biển để nuôi trồng thuỷ sản.

Doanh nghiệp thuê diện tích lớn nhất, lâu năm nhất là Công ty TNHH Ngọc Trai Nha Trang của Đài Loan (Trung Quốc) với 442ha. Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Chủ tịch ủy ban Quốc gia chương trình Hải dương học liên Chính phủ, Unesco bày tỏ: “Nếu người ta thuê để làm bảo tồn hải dương, thì rất hoan nghênh, nhưng để nuôi trồng, thì phải xem lại, bởi như vậy sẽ tạo sức ép rất lớn cho môi trường”.

Tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng đang có khoảóng 19 dự án cho doanh nghiệp nước ngoài thuê mặt biển. Một số ngư dân lo ngại, nếu tốc độ cho thuê được đẩy mạnh nhanh chóng trong thời gian tới, chẳng biết chừng sẽ lâm cảnh, ngư dân phải đi làm thuê trên chính mặt biển quê hương họ?