00:00 Số lượt truy cập: 3071295

Chọn đỉnh cao nào cho hạt gạo Việt Nam 

Được đăng : 03/11/2016
Sự kiện lúa gạo tăng giá và khan hiếm lại nóng trên mặt báo những ngày này. Năm nay, mặc dù miền Trung và miền Bắc trúng mùa, sản lượng lúa tại khu vực này tăng, nhưng khoản thất bát từ dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL - nơi chiếm đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu của quốc gia - cũng không nhỏ.

Chính vì vậy, năm 2006, cả nước khó có thể thực hiện trọn vẹn kế hoạch xuất khẩu 5 triệu tấn gạo (10 tháng 2006 đạt gần 4,4 triệu tấn gạo). Các chuyên gia cũng dự đoán đến cuối năm, có cố gắng cật lực thì chỉ đạt được từ 4,7 đến 4,8 triệu tấn gạo, bởi lượng gạo tồn chủ yếu là rải rác trong dân và không vượt quá 350.000 tấn.

Hiện nay, Việt Nam trở thành đối thủ đáng gờm của các cường quốc về xuất khẩu gạo. Cả thế giới thừa nhận điều đó. Nhưng như vậy thì đã sao? Nhìn lại suốt chặng đường dài để đi đến đỉnh vinh quang ấy, hạt gạo Việt Nam đã không ít ba chìm, bảy nổi. Có lúc người nông dân lao đao vì giá lúa tụt xuống chỉ còn 800 đồng/kg, và phải bấm bụng chịu đựng khi giá "bình ổn" 1.000 đồng/kg lúa. Cũng có lúc hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gạo sụp đổ vì biến động của thị trường lúa gạo thế giới...

Đó là chuyện trước đây, còn bây giờ, giá bán ra đã cao xấp xỉ với cường quốc xuất khẩu gạo Thái Lan, lúa mua tại ruộng của người nông dân cũng đã tăng gấp 4-5 lần, rồi thêm chính sách hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật canh tác nhằm giảm hao hụt, tăng lợi nhuận... Nhưng vì sao nông dân và doanh nghiệp vẫn cứ phải căng thẳng với nỗi lo no ấm từ hạt gạo? Cơn sốt giá và sự khan hiếm trong chặng nước rút của niên vụ xuất khẩu gạo 2006 đã bộc lộ mảng tối trong hào quang chiến thắng của chúng ta?

Giới am hiểu cho rằng, nếu so sánh mức tăng giá, thì đầu xuất đi vẫn không tăng cao bằng giá bán nội địa do qua các lần trượt giá xăng dầu, phân bón và đối phó với sâu rầy dịch bệnh... chi phí nông dân đầu tư cho hạt lúa tăng cao, lợi nhuận càng bị thu hẹp. Nhiều thương gia cũng than thở, hiện nay các hợp đồng thương mại lợi nhuận chỉ từ 0USD đến 2 - 3USD/tấn gạo do sức ép cạnh tranh, các hợp đồng trúng thầu còn giữ mức lợi nhuận cao, nhưng để giành lấy những hợp đồng "béo bở" như vậy cũng không phải dễ dàng.

Ngày 4 và 5 tháng 12 này, đoàn doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ sang Philippines tham gia cuộc đấu thầu cung ứng gạo năm 2007 cho quốc gia này, nơi từng mua của Việt Nam với số lượng gạo chiếm 30 đến 40% tổng sản lượng xuất khẩu năm 2006 của cả nước. Liệu có thể xoay chuyển và bù đắp phần nào căng thẳng của tình hình xuất khẩu gạo vào những tháng cuối năm 2006. Nếu đặt trước "đối thủ" Thái Lan thì ta đang ở thế quá mong manh. Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, hiện Thái Lan đang tồn kho khoảng 1,7 - 1,8 triệu tấn gạo trắng, và họ cũng đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch vụ lúa mới.

Trước tình thế "nước sôi lửa bỏng" này, việc giữ lấy ngai vị xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới không thể đặt trên trọng trách giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Và có lẽ, không chỉ bây giờ, mà nhiều năm sau nữa, đỉnh cao mà Việt Nam phải giành lấy chính là sự an toàn và lợi nhuận thu về cho doanh nghiệp, nông dân, chứ không phải là hàng thứ hai, hay thứ nhất về số lượng gạo xuất khẩu hàng năm.