Những lô hàng bị từ chối
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến thuỷ sản VN (VASEP), trong tháng 7.2007 có 27 lô hàng thuỷ sản có nguồn gốc từ VN bị từ chối cho nhập vào Mỹ, chủ yếu vì lý do vệ sinh thực phẩm. 6 tháng đầu năm nay, số lô hàng bị phía Mỹ từ chối là 240. Tháng 8.2007, vẫn có 18 lô hàng thuỷ sản chịu cùng số phận.
Các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang thường có DN xuất hiện trong danh sách có hàng bị nước ngoài từ chối vì lý do chất lượng, vệ sinh thực phẩm. Chỉ trong ngày 30.8.2007 đã có 2 DN ở Cà Mau là Quốc Việt và Tân Thành bị phía Nhật từ chối nhận hàng. Trong mấy tháng qua, các thông tin về sự quan ngại của EU, Mỹ, Nhật, Nga... đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu của VN luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Theo thông báo của phía EU, ngày 27.9 tới đây, một phái đoàn của EU sẽ đến VN kiểm tra vệ sinh an toàn thuỷ sản ở tất cả các khâu đánh bắt, cảng cá, vận chuyển, chế biến, kho trữ. Hàng thuỷ sản xuất khẩu của nước nhà đang thực sự đứng trước thử thách.
Căn bệnh tiêm chích tạp chất vào nguyên liệu thuỷ sản đã có cách đây gần 20 năm, nhưng vẫn chưa có cách trị hiệu nghiệm. Ban đầu là ghim đinh hoặc kim loại vào tôm. Các nhà máy phải trang bị máy rà kim loại. Người ta "khắc phục" bằng cách dùng rau câu, bột năng tiêm chích vào thân tôm để tránh bị máy rà kim loại phát hiện. Các DN phải trang bị thuốc thử tinh bột để phát hiện các "tạp chất" trên. Hiện nay, bí đao đang được sử dụng rộng rãi để bơm vào tôm, vì nó chưa bị thuốc thử phát hiện. Trong khi đó, các tàu đánh bắt xa bờ thì lại sử dụng các loại thuốc bị cấm sử dụng trong thực phẩm để giữ cho nguyên liệu tươi lâu, như chloramphenycol, nitrophurans... Các nhà máy phải trang bị phương tiện đắt tiền để kiểm các loại kháng sinh này trong nguyên liệu. Nhưng thỉnh thoảng vẫn bị phát hiện ở nước ngoài và bị trả hàng về VN (hoặc tiêu huỷ).
Tuyên chiến: Khó, vẫn phải làm
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lương Lê Phương cho biết: Thuỷ sản VN muốn vào EU trong thời gian tới chắc chắn sẽ phải vượt qua hàng rào nghiêm ngặt hơn. Vì thế, để bảo vệ uy tín thuỷ sản xuất khẩu của VN thì phải "tuyên chiến" với những hành vi gian dối, vì lợi ích cục bộ, chạy theo lợi nhuận nhất thời của một số đơn vị, cá nhân. Theo ông Phan Văn Danh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá An Giang, trong số các lô hàng thuỷ sản bị trả về, hàng bị nhiễm kháng sinh chiếm tỉ lệ cao so với nhiễm vi sinh. Điều này cho thấy phần lớn nguyên nhân xuất phát từ khâu chăn nuôi.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này cũng không dễ. Người nuôi thuỷ sản xuất khẩu hiểu rất rõ tác hại của các loại thuốc có khả năng để lại dư lượng kháng sinh trong sản phẩm, nhưng một phần do chạy theo lợi nhuận và do công tác kiểm tra, kiểm soát việc mua bán thuốc điều trị thuỷ sản gần như được thả lỏng nên sai phạm vẫn cứ nối tiếp sai phạm. Nhất là trong bối cảnh nạn bùng nổ nghề nuôi này đang vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh của cá.
Tuy nhiên theo ông Danh, điều đáng ngại hơn ở đây là sự "lọt lưới khó hiểu" của hàng phòng vệ trong nước. Bởi có nhiều lô hàng, cơ quan kiểm nghiệm trong nước cho là tốt nhưng khi ra nước ngoài lại bị phát hiện bị nhiễm vi sinh, kháng sinh. Ông Danh nhấn mạnh: Có thể nói về thiết bị, ta đã đầu tư rất tốt, vấn đề ở đây chính là cách làm của người có trách nhiệm. Điều này không chỉ gây tốn kém cho quốc gia mà còn tạo ra tiền lệ tự làm mất uy tín của cơ quan kiểm định của VN trên trường thế giới.