Chủ động dập tắt dịch bệnh, bảo đảm xuống giống đúng lịch thời vụ
Được đăng : 03/11/2016
Hiện nay, ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa hè thu và xuống giống vụ thu đông, vụ mùa, nhưng đã có nhiều diện tích lúa thu đông ở một số địa phương bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Ðể chủ động dập tắt dịch bệnh, ngày 13-7-2008 Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn số: 1085/CÐ-TTg yêu cầu:
1. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân xuống giống vụ lúa thu đông và vụ mùa đúng lịch thời vụ theo quy định để tránh né rầy, đối với địa phương có diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá phải khẩn trương huy động mọi nguồn lực tại địa phương, phát động nhân dân tham gia dập tắt rầy nâu theo chỉ đạo cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan bảo vệ thực vật địa phương; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương, nghiêm cấm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để tăng giá và bán thuốc giả, thuốc kém phẩm chất; thực hiện chính sách hỗ trợ cho công tác phòng trừ dịch theo cơ chế quy định tại Quyết định số 1459/QÐ-TTg ngày 7-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ ngay việc mua hóa chất bảo vệ thực vật và chi phí cho công tác phòng, chống dịch.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và cơ quan bảo vệ thực vật các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác dập tắt dịch, bệnh, nhất là các tỉnh đang bị nhiễm rầy nâu nặng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ thực vật trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức tốt công tác dự báo tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá và các loại sâu, bệnh khác và thông báo kịp thời cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng trừ và dập tắt dịch; hướng dẫn nông dân chuyển đổi mùa vụ sản xuất và sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp có năng suất, chất lượng cao, ít có khả năng bị nhiễm rầy nâu, sâu bệnh khác.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long thông tin kịp thời dự báo tình hình rầy nâu, sâu, bệnh và các biện pháp phòng trừ để mọi người dân chủ động phòng trừ và dập tắt dịch bệnh đạt kết quả.