Anh Nguyễn Thanh Tuấn (34 tuổi), trú xã Tam Hiệp ( Núi Thành, Quảng Nam) không chỉ là chủ trang trại giỏi, thành đạt mà còn là một "thầy giáo" nhiệt tình trong việc truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho nông dân.
Tuấn đã có 2 năm đứng lớp tại Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm Quảng Nam (của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam) để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho hàng trăm học viên là nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Năm 2002, Tuấn tốt nghiệp cử nhân Công nghệ thông tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.
Sau khi tốt nghiệp, anh không ở lại thành phố lập nghiệp như bạn bè mà quay về quê nhà... nuôi heo. Ban đầu nuôi heo, sau đó Tuấn mở rộng ra nuôi nào kỳ đà, kỳ nhông, rồi rắn mối... Nhờ chí siêng năng, cần cù, chăm học hỏi, Nguyễn Thanh Tuấn đã tự lập bằng con đường riêng và xây dựng cho mình một trang trại hơn 2ha, rồi đến một công ty chuyên cung cấp giống, kỹ thuật chăn nuôi cho người nông dân, mỗi năm thu hơn 300 triệu đồng.
Thầy giáo nông dân Nguyễn Thanh Tuấn đang giảng bài về nghề nuôi rắn mối. |
Giữa tháng 3.2013 vừa qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm Quảng Nam khai giảng lớp thứ 3 về đào tạo nghề nuôi rắn mối cho lao động nông thôn, với sự tham gia gần 40 hội viên là nông dân của phường An Sơn, TP. Tam Kỳ.
Chủ trang trại Tuấn được mời trực tiếp đứng lớp. Tuấn tâm sự: "Mình tuy không được học nhiều về nông nghiệp cũng không phải là một giảng viên chuyên nghiệp như bao giảng viên khác, nhưng mình luôn luôn tâm niệm, dạy học phải có cái tâm. Tất cả học viên ở đây đều là nông dân, tôi cũng là nông dân, nên hiểu được những gì người nông dân cần”.
Ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm Quảng Nam.
Học viên Phạm Viết Mai (SN 1950, trú phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) cho biết:
"Tôi cũng đang nuôi rắn mối, nhưng chưa nắm bắt được nhiều kiến thức, rắn mối hay chết. Nhờ cách nói gắn liền với thực tiễn, nên tất cả học viên đều dễ tiếp thu, dễ nhớ, dễ làm theo".
Nhiều nông dân khác cũng cho biết, sau khi nhận được thông tin của Hội Nông dân phường thông báo và biết có chủ trang trại giỏi tham gia đứng lớp, họ đều muốn đăng ký và tham gia vào lớp học này để nắm bắt thêm kiến thức, cách chăm sóc, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Kết thúc khóa học, nông dân được cấp chứng chỉ đào tạo nghề và được vay vốn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình...
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Xuân Hà-Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Thầy Tuấn thành công như ngày hôm nay cũng từ ý chí tự học mà nên. Một nông dân chưa qua trường lớp hay kiến thức gì về con vật nuôi, nhưng nhờ vào sự ham học hỏi, nắm bắt được thời cơ, chịu va chạm thực tế mà trở nên thành đạt. Khi chúng tôi đề nghị, Tuấn vui vẻ nhận lời đứng lớp để chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bà con nông dân. Tấm lòng của Tuấn với nông dân rất đáng trân trọng".