Theo Chi cục BVTV các tỉnh phía Nam, đến cuối tháng 7/2009, trong tổng diện tích lúa hè thu (HT) xuống giống 1.773.064 ha đã thu hoạch được hơn 518.000 ha, năng suất bình quân 4,2-4,3 tấn/ha.
Trong thời gian từ nửa cuối tháng 7 đến nửa cuối tháng 8/2009 sẽ thu hoạch lúa HT chính vụ, dự kiến khoảng 1 triệu ha. Lúa HT còn đang thu hoạch nhưng lúa thu đông và lúa mùa đã xuống giống được hơn 149.000 ha và đang trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, do đó tình hình sâu hại vẫn còn diễn biến phức tạp. Rầy nâu (RN) vẫn còn xuất hiện phổ biến trên lúa HT ở các tỉnh Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Tiền Giang..., trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến trổ chín với mật số phổ biến 1.000-3.000 con/m2. Trong đó 14.691 ha lúa nhiễm RN nặng với mật số cao 4.000-10.000 con/m2. Đối với lúa TĐ, lúa mùa nhiễm RN phổ biến 1.000-2.000 con/m2, trong đó có 3.477 ha lúa nhiễm nặng với mật số 3.000-6.000 con/m2. Cùng lúc một số sâu bệnh khác như sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng với diện tích 61.885ha, mật số 10-20 con/m2, cục bộ một vài nơi có mật số hơn 40 con/m2 chiếm tới 3.391ha tại TP Cần Thơ và các tỉnh Long An, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang. Ở hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL bệnh đạo ôn lá xuất hiện trên lúa HT vào giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, diện tích nhiễm 92.551ha, tăng 28.540ha so cùng kỳ năm trước, tỉ lệ nhiễm phổ biến 5-10%, nhưng 6.929ha nhiễm cao, chiếm hơn 20%. Bệnh đạo ôn cổ bông có 13.957ha, tăng 2.979ha so cùng kỳ năm trước và nhiễm phổ biến 5-10% và chỉ có 78ha nhiễm cao hơn 20%. Nguyên nhân lúa HT năm nay nhiễm đạo ôn cao hơn năm ngoái là do phần nhiều nông dân chuyển sang trồng các giống lúa vừa mới phóng thích và đa phần các giống này đều nhiễm nặng như: OM 2514, OM 2517, OM 2518, OM 4900, Jasmine 85, VD 85-20, HD91. Bên cạnh đó, còn do một số nông dân bón phân chưa hợp lý, không cân đối vì muốn đạt năng suất cao. Biện pháp phòng trừ Từ 24/7 đến 3/8/2009 một đợt rầy di trú với mật số cao và dự báo từ 8-15/8/2009 rầy sẽ nở rộ và có thể gây cháy rầy cục bộ. Do đó nông dân cần theo dõi diễn biến của RN và xử lý kịp thời để tránh lây lan sang lúa thu đông. Để phòng chống RN hại lúa, cần áp dụng một số biện pháp kinh điển sau: không trồng lúa liên tục trong năm, bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất là 20-30 ngày, không để vụ lúa chét. Nông dân nên chọn sử dụng giống lúa chịu RN, lúa giống chất lượng tốt; hạn chế mật độ sạ giống xuống còn 80-100kg/ha; gieo sạ đồng loạt, né rầy. Theo TS Lương Minh Châu - Viện lúa ĐBSCL, có thể phòng trừ RN bằng phương pháp che chắn, khi lúa gieo sạ xong, cây lúa đã bắt rễ và mọc lên, đồng thời cũng xuất hiện một đợt rầy mới. Để đối phó với đợt rầy này, nông dân nên cho nước từ từ vào đồng ruộng sao cho nước luôn khỏa lấp ở chảng ba của cây lúa. Vì con rầy với đặc tính là chỉ đẻ trứng vào gốc lúa, bẹ lúa nên với phương pháp trên không có chỗ cho rầy đeo bám để chích hút và đẻ trứng. Như vậy nông dân sẽ tránh được đợt rầy này để bảo vệ cây lúa non. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp cộng đồng là ra quân phun xịt đồng loạt trong giai đoạn từ sau gieo sạ đến 20 ngày, nếu phát hiện RN xuất hiện thì phun thuốc diệt trừ bằng các loại thuốc như: hoạt chất Buprofezin, Fenobucard, Isoprocarb…, quản lý ruộng bằng cách thăm đồng thường xuyên, theo dõi bằng bẫy đèn. Nguyên tắc phun trị rầy sớm không chờ mật số, theo ngưỡng, theo tình hình cân bằng thiên địch sinh thái. Trong giai đoạn này nếu có thể sử dụng thuốc có tính nội hấp hay tiếp xúc đều mang đến hiệu quả như mong muốn và lưu ý bà con nên phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng liều lượng, đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách). Đề phòng bệnh VL-LXL cần tiếp tục né rầy, tránh virus tập nhiễm vào cây lúa ở thời điểm sớm nhất; sử dụng bẫy đèn theo dõi rầy di trú để áp dụng gieo sạ né tránh rầy. Tuy nhiên nông dân cần chú ý đến các biện pháp canh tác phù hợp như đã khuyến cáo, giảm bớt diện tích gieo trồng các giống nhiễm như IR 50404 dưới 15%. Ngoài ra theo nguyên tắc bố trí một giống lúa không quá 15-20% diện tích tránh dịch bùng phát trên diện rộng không kiểm soát được. TS Lê Cẩm Loan, Bộ môn bệnh cây Viện lúa ĐBSCL cho biết, sau khi kết hợp kết quả thanh lọc bệnh VL-LXL trên “nương mạ RN truyền bệnh virus” và thanh lọc trong nhà, có 2 giống chống chịu bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá là OM 5930 và OM 5936; 3 giống chống chịu được vàng lùn là OMCS 2000, VN 121 và KG 1. Đối với bệnh đạo ôn, đề phòng quản lý bệnh hại có thể sử dụng đa dạng giống kháng khác nhau trong mỗi vụ và mỗi vùng; áp dụng 3 giảm-3 tăng, 1 phải 5 giảm và chú ý giảm lượng phân và sử dụng giống xác nhận, thăm đồng thường xuyên, phun thuốc hóa học có hiệu lực khi vết bệnh đạo ôn lá còn nhỏ khoảng đầu chấm kim và tỷ lệ thấp khoảng 5%. |