Chưa kiểm soát được vật tư nông nghiệp
Được đăng : 03/11/2016
Rau, thịt lợn, thịt gà đều có vi khuẩn gây ngộ độc... đó là thông tin đưa ra tại cuộc họp bàn các biện pháp kiểm soát vật tư nông nghiệp, do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 16.6.
Chỉ 3,6% cơ sở giết mổ được kiểm soát
Theo ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Thú y, qua phân tích 69 mẫu thịt lợn tại Hà Nội đã phát hiện 4 mẫu nhiễm Salmonella (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm) và 37 mẫu nhiễm S.aureus (tụ cầu khuẩn) vượt quá giới hạn cho phép. 6/69 mẫu thịt gà nhiễm Salamonella và 41/69 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa kiểm soát được các cơ sở giết mổ. Tại 48 tỉnh thành có báo cáo, hiện mới chỉ có 3,6% cơ sở giết mổ tập trung và cơ quan thú y chỉ kiểm soát giết mổ được tại 7.281 trong tổng số trên 17.000 cơ sở. Rất ít các tỉnh thành xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung nhưng cũng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi phải đóng của hoặc hoạt động cầm chừng do sản phẩm sau giết mổ tại đây không thể cạnh tranh được về giá cả với các điểm giết mổ tự do, gây tốn kém cho nhà đầu tư trong khi sản phẩm sạch, an toàn không đưa ra được thị trường.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT, ông Cao Đức Phát cho rằng, cơ quan chức năng đã để “lọt lưới” một lượng không nhỏ rau, củ, quả chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép rồi chui vào bụng người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
50% mẫu phân bón kém chất lượng
"Đại biểu Quốc hội đã lặn lội về tận các vùng quê, lội xuống ruộng và phản ánh tại diễn đàn Quốc hội. Nông dân cũng phàn nàn, kêu ca nhiều về chuyện này. Không thể nói là chúng ta đã làm tốt khâu kiểm soát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật như vậy được" Bộ trưởng Cao Đức Phát
Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, kết quả kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón trên địa bàn toàn quốc trong năm 2009 cho thấy, có khoảng 50% mẫu phân bón được lấy để kiểm tra có thành phần dinh dưỡng kém chất lượng so với quy định hoặc công bố tiêu chuẩn. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 3 vụ sản xuất, buôn bán phân bón giả với số lượng lên đến hàng nghìn tấn. “Theo báo cáo từ 9 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra 268 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón và lấy 383 mẫu phân bón để giám sát chất lượng đã phát hiện 61 cơ sở vi phạm và 138 mẫu không đạt chất lượng”, ông Ngọc nói.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, năm 2009 và đầu năm 2010, hiện tượng sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả gia tăng. Các loại thuốc giả đều là các loại thuốc có nhu cầu sử dụng cao trong sản xuất. Trong đó, một số loại nhập lậu vào nước ta. Thời gian qua, lực lượng hữu trách đã kiểm tra và phát hiện khoảng 6 - 7% tổng số mẫu thuốc bảo vệ thực vật đã lấy khi đang lưu thông trên thị trường vi phạm các quy định về chất lượng.
Không đồng tình với báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đó chỉ là con số bề nổi, chưa phản ánh đúng thực trạng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hoặc thuốc giả đang bày bán tràn lan trên thị trường và gây thiệt hại cho người nông dân. “Đại biểu Quốc hội đã lặn lội về tận các vùng quê, lội xuống ruộng và phản ánh tại diễn đàn Quốc hội. Nông dân cũng phàn nàn, kêu ca nhiều về chuyện này. Không thể nói là chúng ta đã làm tốt khâu kiểm soát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật như vậy được”, ông Phát bức xúc.
“Muốn tiêu hủy thì lại thiếu kinh phí”
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các cục, vụ chức năng trực thuộc từ nay cho đến hết tháng 6 phải nhanh chóng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng loại vật tư nông nghiệp rồi “đổ quân” đi kiểm tra. “Sau 2 tháng nữa phải lập được hồ sơ tất cả các cơ sở sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp để tiến hành các đợt thanh kiểm tra. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm 3 lần liên tiếp thì các cơ quan hữu trách tiến hành rút giấy phép kinh doanh, loại doanh nghiệp đó ra khỏi sân chơi”, ông Phát nhấn mạnh.
Đại diện các cục chức năng của Bộ NN-PTNT đã nêu lên một loạt khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh nông sản và vật tư nông nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến thực trạng lực lượng cán bộ chuyên trách, thanh tra chuyên ngành quá mỏng.
Ông Đàm Xuân Thành cho biết: “Lực lượng kiểm soát giết mổ tại các địa phương quá mỏng, 1 cán bộ phải phụ trách nhiều điểm giết mổ hoặc chỉ có 1 - 2 cán bộ kiểm soát tại các cơ sở giết mổ tập trung đã dẫn đến tình trạng kiểm tra qua loa, không thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định. Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Ngọc lại than phiền: “Số lượng thanh tra chuyên ngành về phân bón và giống hiện nay là con số không tròn trĩnh. Thanh tra trong lĩnh vực này chủ yếu là kiêm nhiệm nhưng cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tiễn”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương nêu thực trạng: “Phát hiện vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp đã khó, xử lý các hành vi này còn khó bội phần. Các địa phương đều kêu, bắt được các lô hàng vi phạm, nhưng không có kho bãi để chứa, muốn tiêu hủy thì lại thiếu kinh phí. Chẳng lẽ phạt hành chính xong rồi lại cho chủ hàng đem hàng vi phạm đi tiêu thụ ngoài thị trường. Nếu vậy, người tiêu dùng lại gánh đủ”.