Hỏi: Cần chuẩn bị lồng nuôi cá trắm giòn như thế nào?
Đỗ Văn Hưng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Đáp:
Cá trắm giòn có chất lượng thịt rắn chắc, thơm ngon, có độ giòn hấp dẫn mà cá trắm cỏ bình thường không có được. Hiện nay, giá bán trên thị trường khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với trắm cỏ bình thường. Ao và lồng nuôi nên bố trí, thiết kế ở những nơi có nguồn nước trong sạch, không có nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt chảy vào.
Cấu trúc lồng nuôi cá
Lồng để nuôi cá trắm giòn là những loại lồng truyền thống được làm từ vật liệu chính là gỗ tốt. Hiện nay, một số nơi sử dụng loại lồng được làm bằng xi măng, lưới thép, composite.
Lồng được đóng theo dạng khối hộp chữ nhật gồm khung lồng, mặt lồng, hông lồng, đầu lồng, đáy lồng, phần nổi và neo lồng. Phần nổi có thể làm bằng thùng phi, thùng gỗ, hộp sắt, thùng nhựa, ống PVC...
Tùy theo điều kiện đầu tư mà lồng nuôi có kích thước khác nhau. Lồng nuôi cỡ nhỏ thường có thể tích < 100 m3, chiều dài 6 - 8 m, chiều rộng 3 - 5 m, chiều cao 2,5 - 3 m. Lồng nhỏ thường được nuôi ở những vùng có độ sâu khoảng 2 m. Với những nơi có độ sâu 2,5 - 3 m có thể thiết kế lồng nuôi có kích thước trung bình, thể tích 100 - 500 m3, chiều dài 9 - 12 m, chiều rộng 4 - 9 m, chiều cao 3 - 5 m. Nếu điều kiện đầu tư lớn có thể thiết kế những lồng nuôi lớn, thể tích 500 - 1.600 m3, có chiều dài 12 - 30 m, chiều rộng 9 - 12 m, chiều cao 4 - 4,5 m. Để nuôi được những lồng cá có diện tích lớn thì phải chọn những nơi có độ sâu 3,5 - 4 m.
Lồng được đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông (gần bờ dọc theo dòng nước chảy), có dòng nước chảy liên tục, mực nước sông tương đối điều hoà và phải cao hơn chiều cao ngập nước của lồng từ 0,3 - 0,5 m.
Nước sông nơi đặt lồng không bị ảnh hưởng trực tiếp của nguồn nước phèn, nguồn nước lưu thông sạch, không ô nhiễm, xa các cống nước thải, khu công nghiệp, nông nghiệp./.