Còn một tháng nữa nông dân ĐBSCL sẽ vào vụ lúa mới đông xuân (ĐX) 2009-2010. Nhưng từ đầu tháng 10/2009 đến nay nhiều nông dân đã “chạy đà” rất sớm lo khâu lúa giống. Mấy năm qua nhiều địa phương trong vùng đều kêu thiếu lúa giống, còn năm nay ra sao?
Làm lúa theo chợ
Đa số nông dân các tỉnh phía Nam, cả miền Đông và miền Tây Nam bộ đều biết rõ rằng vụ lúa ĐX là quan trọng nhất trong năm, với giá thành sản xuất thấp, chất lượng gạo tốt rất thuận lợi cho thị trường xuất khẩu (XK). Mấy năm gần đây để có một vụ lúa trúng mùa, trúng giá, kinh nghiệm nhiều nông dân cho rằng chọn giống lúa phải nhắm tới thị trường tiêu thụ.
Nhà nông nào cũng muốn chọn giống để sao cho sản phẩm làm ra dễ bán, bán được giá cao, nhưng giống phải đảm bảo năng suất, kháng sâu rầy. Qua nhiều năm “thấm” công tác khuyến nông ở địa phương, phần lớn nông dân đều nhận thấy nếu dùng giống lúa xác nhận sẽ hiệu quả cao hơn so với dùng lúa thịt làm giống. Nhu cầu đã có nên ở nhiều tỉnh trong vùng chú tâm mở mạng lưới nhân giống qua các HTX nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông, tổ sản xuất lúa giống… trong đó bung ra làm ăn mạnh nhất là các cơ sở, doanh nghiệp (DN) tư nhân. Một điển hình dễ thấy ở xã Tân Thạnh, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) năm nay, lạ mắt nhất là có nhiều cơ sở, cửa hàng chi nhánh của các DN sản xuất và bán lúa giống mọc lên nhan nhản từ ngoài mặt tiền quốc lộ 91A cho đến dọc theo lộ tẻ vào cổng cơ quan Viện lúa ĐBSCL (CLRRI). Có lẽ ăn theo lợi thế địa điểm nông dân trong vùng thường lui tới và “thương hiệu” Viện lúa dễ tạo uy tín làm ăn.
Anh Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Cty Giống cây trồng Bình Minh (An Giang) cho biết, chuẩn bị giống cho vụ ĐX, từ vụ HT Cty chuẩn bị 40 loại giống khác nhau với tổng số lượng 2.000 tấn giống, giá giống XN 9.500đ/kg, giống nguyên chủng (NC) 11.900đ/kg. Tuy vậy thật lạ lùng, nếu như năm ngoái nông dân chuộng giống chất lượng cao, gạo phẩm chất ngon cơm như Jasmine 85, OM 6162… nhưng đến nay sau gần 1 tháng bắt đầu đưa hàng ra thăm dò, sức mua tuy mạnh, nhưng lại có một bộ phận nông dân chọn giống chất lượng thấp như IR 50404, vì cho rằng giống này dễ làm, có năng suất và dân hàng xáo đặt mua. Trong khi giống lúa thơm Jasmine năm trước có giá khá cao thì năm nay lại tiêu thụ chậm, bán ra giá không cao nhiều hơn giống lúa thường.
Giống thiếu hay đủ?
Theo Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần lưu ý đảm bảo thời gian giãn cách vụ từ vụ thu đông sang vụ ĐX ít nhất 3 tuần để cắt cầu nối lây lan của dịch hại. Về cơ cấu giống lúa cần đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa và XK, kiên trì bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng cao: gạo hạt dài, trong, không bạc bụng. Trong vụ ĐX có thể trồng các giống lúa thơm cao sản ở những vùng thuận lợi. Riêng mỗi tỉnh thành chọn 3-5 giống chủ lực, 2-3 giống bổ sung và một vài giống lúa triển vọng để có thể thay thế khi gặp những điều kiện không thuận lợi đối với giống chủ lực. Các địa phương cần tăng cường khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa XN và cơ cấu một giống lúa diện tích không vượt quá 30%.
Theo cơ quan khuyến nông vùng ĐBSCL, sau nhiều năm khuyến cáo, đến nay nông dân trong vùng dùng giống lúa xác nhận chất lượng tốt tuy chậm nhưng được nâng lên dần với mức bình quân 25-30%. Về mặt hiệu quả đã thấy và xu hướng trong tương lai nông dân dùng giống XN chắc chắn sẽ tăng lên.
Chuẩn bị nhu cầu giống lúa cho vụ ĐX năm nay, ông Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng sản xuất hạt giống Viện lúa ĐBSCL nhận xét: “Thị trường lúa giống năm nay sôi động khi nhìn qua nhu cầu đặt hàng từ các trung tâm giống địa phương. Viện lúa cung cấp 10 tấn giống siêu nguyên chủng (SNC) và 200 tấn giống NC bao gồm các giống lúa chủ lực bổ sung chuẩn bị cho vụ ĐX tới theo yêu cầu đặt hàng từ các địa phương khắp vùng ĐBSCL, miền đông Nam bộ, Tây Nguyên, Phú Yên, Bình Định… Nhưng nhu cầu đặt hàng chung của các địa phương cần tới 1.000 tấn giống NC. Do một số địa phương không đặt hàng trước nên khi cần tới Viện mua thì đã hết. Như trong vụ ĐX và HT vừa qua các loại giống OM 4900, OM 6162, OM 7347, OM 3536, OM 4059… dễ canh tác, năng suất cao, cho phẩm chất gạo rất tốt nên luôn có sức hút mạnh".