00:00 Số lượt truy cập: 3193367

Chung lòng làm giàu trên núi đá 

Được đăng : 03/11/2016

Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình đoàn kết của anh Hoàng Xuân Phú, người Dáy tại xã Cốc San- Bát Xát- Lào Cai còn giúp đỡ nhiều người làm giàu từ nuôi thủy sản. Gia đình anh đã được tặng bằng khen của Uỷ Ban Dân số Gia đình và Trẻ em cho gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu khu vực phía Bắc 2007.


Năm 1991, kinh tế gia đình anh Phú gặp rất nhiều khó khăn. Đứa con gái mới ba tuổi đã phải ăn ngô ăn sắn thay cơm. Anh Phú bàn với vợ quyết nhận thầu 5 tấn thóc mỗi năm để sử dụng khu trại cá 3,2ha của Ủy ban xã Cốc San. Thấy vậy, nhiều người ái ngại cho gia đình anh, vì ở cái vùng núi đá này “sống được còn khó huống chi làm giàu  từ con cá”, anh Phú kể.

 

Không kinh nghiệm, không kiến thức về nuôi trồng thủy sản… anh lặn lội đi băng rừng gần 200km lên Công ty Thủy sản Yên Bái tìm cán bộ kỹ thuật về tư vấn. Sau khi quyết định sẽ nuôi cá giống để phục vụ đồng bào nơi đây, anh Phú thế chấp ngôi nhà để vay ngân hàng 800 nghìn đồng mua 100 nghìn cá bột giống.

 

Nhờ được cán bộ kỹ thuật từ Yên Bái về hướng dẫn, gia đình anh đã có người giúp về khâu kỹ thuật: Cho cá ăn như thế nào, vệ sinh ao hồ ra sao, sinh sản như thế nào, hay đơn giản là ngày nào thì tiêm thuốc kích dục tố cho cá sinh sản đạt hiệu quả cao… Bảy năm trời kỹ sư Vũ Tiến Đát ở với gia đình anh Phú và hướng dẫn anh cùng bà con lân cận cách nuôi cá bột, cá thịt.

 

Không phải là mọi chuyện đều suôn sẻ khi năm 2003, nhiều lứa cá chết hàng loạt, anh Phú thiệt hại 30 triệu đồng tiền cá giống. Nhưng điều đó cũng không làm anh và gia đình nản lòng. Thiếu vốn, anh gán nhà để vay vốn ngân hàng nuôi thêm lợn. Mỗi năm gia đình anh xuất hơn một tấn lợn thịt và hàng trăm lợn con giống. Chín ha đất đồi rừng của gia đình, anh và vợ quyết định trồng bồ đề, mỡ… để lấy củi đun và bán gỗ công nghiệp, tạo việc làm cho cả nhà và hàng chục lao động trong xã.

 

Khi kinh nghiệm đã có, công việc của trại đi vào ổn định, anh Phú đi khắp các tỉnh trong vùng từ Lai Châu, yên Bái, Bắc Ninh, Hà Tây… để học thêm các khoá đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, tìm hiểu kinh nghiệm của các mô hình tỉnh bạn, về xây dựng trang trại của mình. Mỗi năm gia đình anh cấp vốn và cá giống cho hàng chục hộ gia đình ở Lào Cai, Lai Châu, Sơn La. Bằng vốn và kinh nghiệm của mình, anh mò mẫm lên tận Phong Thổ- Lai Châu, Yên Bình- Yên Bái… hướng dẫn những gia đình mua cá giống của anh cách nuôi cá mà chẳng lấy một xu.

 

 


                                                                           Vợ chồng anh Phú và con trai.

 

Mỗi gia đình được anh Phú giúp từ 5-10 triệu đồng tiền cá giống một năm. Anh Phú tâm sự: “Mình bán cá giống, mang thức ăn đến, giúp họ về kỹ thuật nữa. Khi nào họ thu hoạch cá mình mới lấy tiền gốc thôi. Mình giỏi hơn thì mình phải giúp đỡ những người chưa biết chứ”.  

 

Các con anh Phú đều ngoan, học giỏi. Con gái lớn hiện đang là sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng Tài chính Hưng Yên, còn cậu con trai út- Hoàng Ngọc Toản đang học lớp 5 nhưng năm năm liền đều là học sinh giỏi.

 

Chị Chắp - vợ anh Phú thêm: "Gia đình mình sống hòa thuận lắm. Vợ chồng lấy nhau mười mấy năm mà chưa bao giờ to tiếng. Ở chung với  bố mẹ chồng nhưng chưa có xích mích lớn nào cả”.

 

Năm 2006 gia đình anh Hoàng Xuân Phú sản xuất hơn 20 triệu con cá bột và ươm nuôi 115 vạn con các hương giống các loại. Bán gia thị trường 12 tấn cá thịt, xuất chuồng 1,5 tấn lợn thịt. Tổng thu nhập gia đình anh 2006 là 390 triệu. Mô hình trang trại của gia đình anh Phú thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 10 lao động quanh vùng. Hằng năm gia đình anh giúp vốn  cho cộng đồng nhân dân trong vùng và các tỉnh lân cận khoảng hơn 80 triệu về con giống, thức ăn chăn nuôi… bằng phương thức cung ứng giống vốn trả chậm. Năm 2007 gia đình anh được chọn là gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu đại diện cho Lào Cai, nhận bằng chứng nhận tại lễ tuyên dương gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu khu vực miền núi phía bắc do Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.