00:00 Số lượt truy cập: 2999815

Chung sức cho miền quê đổi mới 

Được đăng : 03/11/2016

Thành ủy, UBND, HĐND, UB MTTQ Hà Nội vừa phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM". Nhiều địa phương đã sôi nổi đăng ký thi đua xây dựng NTM với những mục tiêu cụ thể…



Hạ tầng nông thôn của xã Tô Hiệu huyện Thường Tín được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Nguyễn Mai

Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư bày tỏ quyết tâm cao với chỉ tiêu đến năm 2015, huyện có 80% xã đạt tiêu chuẩn NTM. Để làm được điều đó, Từ Liêm đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất hằng năm đạt 15-16%, phấn đấu đạt giá trị 250 triệu đồng/ha đất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm cùng với việc bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững trật tự, an ninh quốc phòng… Còn đối với xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, một trong 3 địa phương đang làm điểm xây dựng NTM của Hà Nội, Chủ tịch UBND xã Lê Đăng Minh phấn khởi cho biết sẽ huy động nhân dân đóng góp vật tư, tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi, hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi của địa phương, phấn đấu đến năm 2012 cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Tại xã Song Phượng (Đan Phượng), chương trình xây dựng NTM đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. "Người dân đã tích cực góp công sức, tiền của xây dựng NTM. Cụ thể, trong tổng kinh phí khoảng 2,4 tỷ đồng xây dựng 29 tuyến đường ngõ xóm, người dân đã đóng góp ngày công và 50% kinh phí xây dựng và tham gia giám sát chất lượng công trình" - Ông Tạ Kim Thành, Chủ tịch UB MTTQ xã chia sẻ. Tuy nhiên, cũng theo ông Thành "Đó là đối với những công trình nhỏ, còn những công trình, dự án lớn như làm đường liên xã, kênh mương, giao thông nội đồng hay trường học… người dân không thể tự làm được mà cần phải có hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội".

Ở huyện Đan Phượng, việc huy động DN cùng nông dân xây dựng NTM đã được địa phương quan tâm, mời gọi từ rất sớm. Ông Nguyễn Xuân Cửu, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, ngoài mô hình điểm xây dựng NTM tại xã Song Phượng, huyện đang chỉ đạo 6 xã tiếp tục triển khai xong trước 2015. Để tạo thêm nguồn lực, huyện đã huy động được 8 DN tài trợ cho các địa phương trong công tác quy hoạch và các dự án sản xuất như: Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Sông Hồng lập dự án hoa cao cấp, rau an toàn trên diện tích 23ha tại vùng bãi xã Thọ Xuân, Công ty Hadico lập dự án sản xuất rau an toàn tại 3 xã Đồng Tháp, Song Phượng, Phương Đình diện tích hơn 84ha…

Ngoài những nỗ lực của địa phương, để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nông dân, mới đây, BCĐ Chương trình xây dựng NTM Hà Nội đã gặp gỡ các doanh nhân, DN bàn về hỗ trợ xây dựng NTM. Rất nhiều ý kiến đã bày tỏ ủng hộ chương trình với nhiều hình thức như: Ủng hộ bằng tiền, giúp đỡ quy hoạch, đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, ủng hộ bằng xi măng, sắt thép, máy móc, vật tư nông nghiệp đến địa chỉ cụ thể. Kết quả là tại lễ phát động "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" do TP Hà Nội phát động vừa qua, 38 DN đã tham gia ủng hộ với kinh phí trên 213 tỷ đồng. Công ty TNHH xuất nhập khẩu Văn Minh là DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đã sẵn sàng tham gia đóng góp 2 công trình nhà trẻ tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ và xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất với kinh phí dự kiến 1 tỷ đồng. Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam cũng đã nhận hỗ trợ chương trình 1.500 tấn xi măng; Tổng công ty VIGLACERA nhận xây dựng mới 14 căn nhà cho người nghèo…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, trung bình kinh phí để hoàn thành xây dựng NTM ở 1 xã hết khoảng 250 - 300 tỷ đồng. Chủ trương xây dựng NTM của trung ương là các địa phương phát huy nội lực là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là các DN sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn Thủ đô.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Công Soái: Trong 2 năm qua, với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của TP, hình hài mô hình NTM của Thủ đô ngày càng rõ nét. Hà Nội phấn đấu đến năm 2012 sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM ở 100% số xã; năm 2015, 40% số xã trên địa bàn thành phố sẽ hoàn thành xây dựng NTM; năm 2020 là 70% số xã và tới năm 2030, 100% số xã hoàn thành xây dựng NTM.