00:00 Số lượt truy cập: 3083660

Chương trình phát triển cao su tại Campuchia: “Vướng” nhiều thứ 

Được đăng : 03/11/2016

Những ngày này, tại Campuchia (CPC), các công ty cao su (CTCS) trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su (CNCS) VN đã đồng loạt ra quân trồng mới hàng ngàn hécta cao su. Đây được xem là năm bản lề để tập đoàn tăng tốc phát triển cao su tại nước bạn và phấn đấu đến năm 2012 trồng hoàn thành 100.000ha tại đất nước chùa Tháp, theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ Campuchia và Việt Nam.


Nỗi lo thiếu lao động

Đến nay, Tập đoàn CNCS VN đã thành lập 7 đơn vị thực hiện chương trình này. Đến hết tháng 5-2009, 7 đơn vị này đã được cấp 57.400ha đất và trồng mới 2.410ha cao su.

Kế hoạch trồng mới năm nay của 7 công ty là 7.800ha. Dự kiến đến năm 2012, tập đoàn sẽ trồng hoàn thành 100.000ha cao su tại CPC.

Để tăng tốc trồng mới cao su tại CPC trong thời gian tới, theo Ban chỉ đạo phát triển cao su tại CPC thuộc Tập đoàn CNCS VN, hai bên cần có những nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ khai hoang, trồng mới trong thời gian qua. Đó là, giải quyết khâu đất.

Hiện tại còn 4 công ty: Dầu Tiếng, Bình Long, Tây Ninh và Lộc Ninh vẫn chưa nhận được đất. Nguyên nhân là do đất đang bị cạnh tranh gay gắt với các dự án của các địa phương và các công ty nước ngoài. Hầu hết các địa điểm đất phù hợp trồng cao su đều đã có dự án đăng ký trước. Muốn có quỹ đất phải qua nhiều thủ tục giấy tờ rất phức tạp, dẫn đến tốn kém nhiều chi phí và thời gian.

Lãnh đạo Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp CPC và Tập đoàn CNCS VN tham quan điểm tập kết cây giống chuẩn bị cho vụ trồng mới 2009. Ảnh: P.T.

Các đơn vị đã nhận được đất thì tiến độ khai hoang, trồng mới triển khai khá chậm. Nguyên nhân do thủ tục cấp phép khai hoang trễ (phải khai hoang trước mùa mưa). Việc tận thu lâm sản trên đất trồng cao su chưa có quy trình cụ thể.

Ông Nguyễn Hồng Phú, Giám đốc CTCS Phú Riềng cho biết, các thủ tục nhập cây giống, thiết bị, máy móc, vật tư nông nghiệp qua cửa khẩu chưa thông thoáng nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ khai hoang, trồng mới của các công ty.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa, thiếu lao động phục vụ cho công tác trồng mới là một nỗi lo lớn của các CTCS tại CPC. Theo ông Tân, lao động tại địa phương rất ít, trong khi lao động từ nơi khác đến lại không ổn định, tay nghề hạn chế. Việc đưa lao động từ VN qua thì còn chịu lệ thuộc vào quy định của phía bạn về mặt lưu trú và nhập cảnh dài hạn.

        Tăng diện tích trồng mới

Nỗi lo chậm được nhận đất và thiếu lao động khiến một công ty lo ngại khó hoàn thành kế hoạch trồng mới trong năm nay cũng như những năm tới. Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thuận, Phó TGĐ Tập đoàn CNCS VN, Phó ban chỉ đạo phát triển cao su tại CPC, nêu rõ: “Quan điểm của tập đoàn là tranh thủ mọi điều kiện, thời cơ để trồng 100.000ha cao su tại CPC theo đúng kế hoạch. Trồng nhanh, nhưng trên hết phải đảm bảo chất lượng vườn cây và tuân thủ nghiêm túc luật pháp và tập quán của nước bạn”.

Theo ông Thuận, thời gian tới Ban chỉ đạo phát triển cao su tại CPC sẽ đề nghị nước bạn tiếp tục giao thêm quỹ đất tô nhượng cho các CTCS của tập đoàn. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng sẽ thực hiện hình thức sang nhượng để gia tăng quỹ đất.

Về phương án giải quyết tình trạng thiếu lao động phục vụ trồng mới, tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo 2 hướng. Một mặt sẽ đưa sang sử dụng những cán bộ kỹ thuật người Việt. Đội ngũ này đóng vai trò nòng cốt, có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật cho lao động địa phương. Để thuận lợi cho việc lưu trú, tập đoàn kiến nghị phía bạn cấp visa ra vào nhiều lần có thời hạn không dưới 1 năm cho cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật, lao động người Việt có tay nghề với tỷ lệ tương ứng 20% tổng số lao động huy động của dự án.

Mặt khác, tăng cường công tác tìm kiếm, tuyển dụng lao động tại địa phương. Để thu hút và giữ chân lao động, các CTCS của tập đoàn tại CPC đang tiến hành xây dựng nhà ở cho công nhân gắn liền với các công trình phục vụ sinh hoạt và công cộng.

“Để làm việc này, các công ty phải tăng chi phí đầu tư. Nhưng đây là việc làm cần thiết, bởi việc tập đoàn được Chính phủ giao đầu tư trồng cao su ở CPC không chỉ tập trung vào hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chính trị với phía bạn”, ông Thuận nói.

Về lâu dài, các đơn vị sẽ có phương án đào tạo cán bộ tại chỗ của bạn vào làm cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật các công ty cao su. Đồng thời, có biện pháp giữ chân lao động trẻ tuổi, gắn bó lâu dài với công ty để làm hạt nhân nòng cốt cho lực lượng công nhân cạo mủ sau này.