00:00 Số lượt truy cập: 3036513

Chuột...đại náo! 

Được đăng : 03/11/2016

Từ những ngày cận Tết Kỷ Sửu đến nay, tại nhiều địa phương, nạn chuột gây hại hàng trăm hecta lúa đông xuân và tiếp tục bùng phát mạnh đã khiến nông dân đứng ngồi không yên...


Nhìn ruộng lúa của mình xơ xác sau nhiều ngày bị chuột hoành hành liên tục, giọng bà Lê Thị Bảy (thôn 2, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) buồn thiu: “Suốt nửa tháng nay, không biết chuột ở đâu ra mà nhiều quá, phá cái hang này thì nó đào hang khác. Nó cắn sát gốc lúa, cả 3 sào đều tơi tả. Chú ơi, đông xuân là vụ sản xuất chính, kiểu ni biết lấy tiền đâu chạy học cho tụi nhỏ?”. Năm ngoái, cũng vụ này, nhờ “ông Tý” không xuất hiện, sâu bệnh gây hại không đáng kể, bà Bảy thu 16 bao lúa từ ngần ấy diện tích. Còn nay, theo bà, một nửa con số vừa nêu cũng khó mà đạt được. Đâu riêng gì bà Bảy, gần 100ha lúa đông xuân chính vụ và lúa nước trời nằm ở những khu vực gò đồi, ven làng tại rất nhiều địa phương của Hiệp Đức cũng bị chuột gây hại với tỷ lệ hơn 30% khiến hàng nghìn hộ dân thực sự lao đao...

Mặc dù tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên tổ chức ra quân tiêu diệt chuột nhưng nhiều đồng lúa ở Duy Xuyên cũng không tránh khỏi thiệt hại nặng nề. Chiều hôm qua (8-2), trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn Duy Xuyên đã có ít nhất 200ha lúa bị chuột cắn phá, tập trung chủ yếu tại các xã Duy Sơn, Duy Trung, Duy Tân, Duy Phú, Duy Hòa, Duy Châu. Theo ông Xuân, những ngày qua, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và lực lượng cán bộ kỹ thuật của Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã sát cánh cùng nông dân quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách nhằm nhanh chóng tiêu diệt chuột, chặn đứng nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Chính quyền huyện Duy Xuyên hiện cũng đang xuất khẩn cấp nguồn ngân sách dự phòng hỗ trợ cho nông dân mua thuốc đánh bả và bẫy hình bán nguyệt để tiêu diệt chuột.

Hiệp Đức và Duy Xuyên không phải là 2 địa phương cá biệt. Theo ông Trần Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam, tính đến chiều qua (8-2) toàn tỉnh đã có hơn 462ha lúa bị chuột cắn phá với tỷ lệ hại bình quân 10-30%. Ông Hồng cho rằng, trong những ngày tới, nếu chính quyền các địa phương, ngành liên quan và nông dân không tích cực triển khai các biện pháp mạnh để tiêu diệt chuột thì diện tích lúa bị thiệt hại sẽ không dừng lại ở con số trên. Theo một số cán bộ kỹ thuật hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ thực vật, nông dân nên dùng Xì gà (loại SG 63 Q) đặt vào hang xông hoặc dùng phốt phua kẽm 20% hòa với luyn phun vào những lối chuột hay đi, những ruộng bị chuột cắn phá nặng... để tiêu diệt chuột. Tuy nhiên, phốt phua kẽm 20% là loại thuốc cực độc nên chỉ dùng khi thật sự cần thiết. Ngoài ra, có thể dùng các loại thuốc hoặc chất có mùi hôi lạ như Hopsan, Kitazin… phun những chỗ bị chuột hại để xua đuổi, tuy nhiên cách này chỉ mang tính tạm thời, không có tác dụng tiêu diệt chuột. Cần lưu ý rằng, thời điểm này, chuột chuẩn bị vào mùa sinh sản nên thường tập trung trong hang, cắn lúa non để ăn chất xanh, ít ăn thóc gạo, khoai đậu... nên hiệu quả của việc đặt bẫy sẽ thấp hơn so với cách đào bắt và dùng Xì gà xông hang.

Xuất hiện nhiều dịch bệnh gây hại khác

Không chỉ bị chuột hoành hành, hàng trăm hecta lúa, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày vụ đông xuân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ốc bươu vàng, đặc biệt là bệnh héo xanh vi khuẩn, sâu xám, bệnh lở cổ rễ, sâu khoang, bệnh thối hạch, sâu cuốn lá nhỏ, ruồi đục nõn, bọ trĩ, sâu phao, sâu đục thân, bệnh tuyến trùng rễ, sâu năn, bệnh đạo ôn lá... gây hại cục bộ. Đặc biệt, rất nhiều diện tích lúa nước trời tại Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Phú Ninh đã và đang bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại nặng, trong đó nhiều ruộng lúa ở xã Bình An, huyện Thăng Bình bị 2 loại rầy này xuất hiện và gây hại với mật độ 1.000 con/mét vuông. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, khi rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại với mật độ hơn 2.000 con/mét vuông thì dùng thuốc thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng như: Difluent 10WP, Applaud 10WP, Butyl 10WP, Map Judo… để phun trừ. Chú ý, không nên phun thuốc khi mật độ rầy thấp để tránh bộc phát vào cuối vụ!