![]() |
Anh Hai Tơn (trong ảnh) là người hoạt bát và dễ gần. Câu chuyện giữa chúng tôi không hiểu tại sao lại bắt đầu từ việc xăng dầu giảm giá. Thì ra, đây là mối quan tâm lớn của Hai Tơn, bởi hiện trong tay anh có tới ba con tàu đánh bắt khơi xa, tổng công suất 330 CV, và hai chiếc xe tải lạnh chuyên chở hải sản.
- Làm ghe, rồi làm cả xe, duyên cớ sao vậy anh? - tôi hỏi.
Hai Tơn thủng thẳng:
- Từ năm 2006, giá xăng dầu tăng, chi phí đánh bắt cao nhưng giá sản phẩm không tăng, nhiều ghe của bà con ở đây phải nằm bờ. Mình phải chủ động hơn trong tiêu thụ. Nghĩ vậy, tôi mua hai chiếc xe tải lạnh, tổ chức thu mua sản phẩm cho bà con. Kết quả rất đáng mừng. Sản phẩm không bị ép giá, hiệu quả sản xuất được nâng lên, những chiếc ghe nằm bờ lại ra khơi. Bà con mừng lắm.
Tôi bắt đầu bị lôi cuốn bởi cách nghĩ của một nông dân sống ở một vùng quê biển vốn hãy còn nghèo. Ngạc nhiên trước cả đống ngư cụ, lưới, máy móc trong nhà, tôi hỏi:
- Nhà mình dùng nhiều ngư cụ vậy hả anh?
- Không. Câu chuyện là như vầy, tôi thấy nhiều bà con ngư dân ở đây không có tiền sắm sửa ngư cụ nên đầu tư chắp vá, đi biển không hiệu quả. Vì vậy, từ hơn mười năm nay, tôi mở cửa hàng mua bán ngư cụ. Nhờ nắm bắt được nhu cầu của bà con nên hàng bán chạy. Với những hộ khó khăn, tôi bán trả chậm, bà con đi làm về, có lúc nào trả lúc đó. Nhiều hộ tôi cho nợ đến vài năm mà không tính lãi. Làm việc này, lời lãi không nhiều nhưng được cái là mình vừa giúp bà con vừa tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc sắm sửa đồ nghề làm biển.
Hai Tơn hào hứng nói về việc vận động nhiều hộ ngư dân thành lập nhóm liên kết trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ liên kết, năng suất đánh bắt cao hơn, chi phí đỡ tốn hơn, giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất, do đó, cũng tăng theo.
Câu chuyện lại trở về với quãng thời gian trước năm 1988. Lúc ấy, Hai Tơn loay hoay với chiếc ghe máy 10CV câu cá và lưới cước ven bờ. Tôm cá không được bao nhiêu, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Nhìn những con tàu lớn vượt trùng khơi, Hai Tơn thèm lắm, nhưng không biết phải làm sao. Ðược Hội Nông dân giới thiệu, gia đình được vay tám triệu đồng, Hai Tơn vay mượn thêm nâng cấp ghe lên 22 CV, rồi sau đó lên 45 CV. Với suy nghĩ muốn đánh bắt hiệu quả phải trang bị tàu thuyền thật tốt, Hai Tơn luôn đầu tư cho tàu mình những phương tiện hiện đại. Chịu khó học hỏi, tham dự các chương trình khuyến ngư, cách thức trang bị máy móc, dụng cụ phục vụ đánh bắt xa bờ hiệu quả, Hai Tơn mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư cho nghề. Ðến nay trị giá ba con tàu tổng công suất 330 CV của anh đã có hơn 1,5 tỷ đồng.
Thời điểm này, tổng thu nhập bình quân của anh mỗi năm là hơn 250 triệu đồng.
Có kinh nghiệm đi biển lại nhiệt tình với bà con, anh Hai Tơn được bà con bầu làm đội trưởng đội cứu hộ, và anh đưa luôn những chiếc tàu của mình vào hoạt động trong đội này. Mỗi khi có gió bão là Hai Tơn lại có mặt ở những nơi khó nhất để giúp bà con phòng, chống bão. Nhiều khi giúp bà con, những chiếc ghe của anh bị hỏng do va chạm khi đối mặt với sóng to gió lớn, nhưng Hai Tơn không nề hà.
Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Hai Tơn tỏ ra rất tâm đắc về việc trùng tu Lăng ông Nam Hải ở thôn mình. Người đi biển rất tôn kính cá ông. Lăng thờ Ông ở địa phương đã hư hỏng nặng. Hai Tơn bàn với mọi người, kêu gọi đóng góp xây dựng lại Lăng. Người dân nghe anh, nhiệt tình lắm, người góp tiền, người góp của, góp công. Công trình Lăng Ông hoàn thành, bề thế, tạo thêm niềm tin cho bà con trong những chuyến biển khơi xa. Hai Tơn lại được bà con bầu làm Trưởng Ban quản lý lăng, ông tổ chức chăm sóc cúng tế xuân thu chu đáo.
- Tính ra anh Hai "chức" hơi "bị" nhiều đó! - tôi đùa.
- Chưa hết đâu, còn nữa, thí dụ tôi làm Lạch trưởng ở đây, coi ngó ghe cộ trong khu vực này, có gì phối hợp với Bộ đội Biên phòng, cảng cá xử lý các vụ việc xảy ra trên biển kịp thời.
- "Chức" nhiều vậy, tiền lương chắc nhiều?
- Làm gì có đồng nào. Bà con tin thì mình làm. Ðược chừng nào mừng chừng đó.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lương Huỳnh Ngọc Hương cho biết: Anh Tơn có tâm với nghề, sống gương mẫu, được bà con quý mến, tin cậy. Anh là tấm gương vượt khó, vươn lên từ hai bàn tay trắng; gia đình hòa thuận, hạnh phúc; con cái lao động hăng say, đồng lòng xây dựng gia đình. Hộ gia đình anh Tơn luôn là hộ gia đình kiểu mẫu.
Chia tay chúng tôi, Hai Tơn nói mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng bản thân sẽ cùng bà con ngư dân ở đây hết sức cố gắng bám biển, tìm cách nâng cao sản lượng đánh bắt cũng như tổ chức tiêu thụ tốt để nâng cao giá trị sản phẩm.