Kinh qua đủ thứ nghề, từ nuôi bò sữa, lợn nái, vịt đẻ, rồi đến nấu rượu, làm đậu phụ, nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật, năm 2007, anh Nguyễn Duy Dương và anh Nguyễn Xuân Tiến (thôn Hải Bối) “nổi khùng” cắm sổ đỏ, vay tiền ngân hàng thầu bãi đất ven sông Hồng để thả cá, trồng chuối. “Nghe qua, cả làng bảo tôi điên, người ta muốn an nhàn không được, tôi lại đi mua việc vào người. Người trong nhà cũng không ủng hộ, nhưng khuyên can mãi không được, nên kệ cho chúng tôi muốn làm gì thì làm”, anh Dương cười, nhớ lại quãng thời gian khi anh nảy ra ý định điên rồ đó. Mới thế mà đã hơn 2 năm, ngoảnh lại nhìn cơ ngơi của vợ chồng anh hôm nay, không ít người trong làng chép miệng tiếc rẻ. Bây giờ trong làng chẳng ai bảo hai anh là khùng nữa. Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh cải tạo đất, trồng những cây chuối đầu tiên. Từ 362 cây chuối giống ban đầu, đến nay vườn chuối của anh Dương đã được nhân lên hàng nghìn gốc, trải bạt ngàn, rộng gần 7-8ha. Nắm trong tay tiền triệu, nhưng anh chị vẫn chưa thỏa chí làm giàu. Về nguyên nhân vác chuối ra trồng ở bờ sông, anh Dương tiết lộ, từ ngày khu công nghiệp mọc lên, dân Hải Bối không thiết tha làm rộng nữa, nhà nhà làm công nhân hoặc xây nhà mở dịch vụ cho thuê trọ rồi tìm hướng kinh doanh buôn bán, bao nhiêu ruộng đất đều để cỏ dại phủ xanh, nhìn mà tiếc. Anh Dương bàn với vợ là chị Nguyễn Thị Vân, rủ thêm vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tiến và Nguyễn Thị Ngoan thuê đất cuả bà con trong thôn làm kinh tế. “Ba năm đầu tiên thả cá đều mất trắng vì nước sông Hồng tràn vào, cá theo nước bơi đi hết”, anh Dương rầu rĩ. Nhưng anh tuyên bố, giờ không sợ nữa vì qua nhiều thất bại, các anh đã rút ra kinh nghiệm thả cá trái mùa, nghĩa là người khác thả cá tháng 2 - 3, anh chị chọn thả tháng 9 - 10 vì đến khi cá thu hoạch được thì chưa đến mùa nước lên. Hiện hai cặp vợ chồng này cai quản cả một khu bờ đầm, múc đất đắp đường, trồng chuối và ngăn đập thả cá. Anh Dương cho biết, mỗi tháng các anh chịu thuế sản lượng nông nghiệp với xã, do đó quỹ đất hợp tác xã không bị bỏ hoang mà anh chị cũng thu được lợi nhuận từ cá, chuối. Với các hộ dân trong thôn, các anh thuê đất với giá 300.000 đồng/sào/năm (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Một số hộ không lấy tiền mặt mà quy ra ngô, mỗi sào khoảng 115kg, tính ra tiền mặt lên tới 600.000 - 700.000/sào/năm song hai anh vẫn nhận thầu vì tiếc đất. Tuy nhiên, cũng theo hai người “khùng”, việc trồng chuối gặp không ít gian nan do không có kiến thức trồng và chăm sóc chuối. Học mót một vài kinh nghiệm của người hàng xóm chuyên trồng chuối ở Hưng Yên, các anh bắt đầu nghiên cứu, mua giống, tự rút kinh nghiệm chăm bón và tiến hành trồng. “Chuối cần rất nhiều phân. Mỗi năm cần bón ít nhất 25-30 tấn phân gà, khoảng hơn 1 tấn đạm, chưa kể lân, kali và phải đôi ba lần tưới nước, phun thuốc trị bệnh”, chị Vân cho biết. Để có đủ lượng phân gà cung cấp cho vườn chuối, anh chị phải đặt hàng các gia đình nuôi nhiều gà trong thôn. Anh Tiến bảo, có những hôm, hai anh phải thức cả đêm, bơm nước đến 11 giờ trưa hôm sau mới tưới được già nửa vườn, vì diện tích chuối của cả hai anh hợp lại lên tới gần 20ha. Các anh cũng nói thêm, trồng chuối với quy mô lớn đòi hỏi phải biết tính toán, dự trù nếu không chuối trỗ (ra buồng - PV) hàng loạt vào lúc giá rẻ thì chỉ có vỡ nợ. Bằng việc tự mày mò, hai anh đã tìm ra cách bắt chuối phải trỗ đúng kỳ. “Thời gian trồng chuối thích hợp nhất là tháng Giêng đến cuối tháng 2 âm lịch, nếu mưa hòa gió thuận thì chỉ cuối tháng 9 là chuối trỗ hết, đợi bán Tết là vừa”, anh Tiến chia sẻ. Mỗi buồng chuối tiêu bán ra có giá 40.000 - 50.000 đồng, chuối tây 70.000 - 80.000 đồng đã đem lại cho hai gia đình nguồn thu đáng kể. Nhưng điều hai anh tâm đắc nhất là không để cho đất bị bỏ hoang. |