00:00 Số lượt truy cập: 2667853

Chuyện làm giàu của một đảng viên dân tộc Thái 

Được đăng : 03/11/2016
Chuyện ông Tân (người dân tộc Thái) ở bản Thái Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông - Nghệ An) vụ mùa trước đã đào bớt đất cho ruộng sâu hơn để vừa cấy lúa vừa thả cá theo người Kinh lan cả vùng Mường Quạ.


Ngàn đời nay, đồng bào dân tộc Thái nơi đây vốn đã quen với lối sống tự nhiên, con cá, ngọn măng của rừng, của suối, ai muốn ăn phải ra suối, lên rừng nên việc ông Tân đào ruộng sâu thêm để giữ nước cấy lúa, nuôi cá đã làm cho không ít người ngạc nhiên. Bởi đồng thì rộng, nhà thì xa, mưa gió thất thường, chỉ cần một cơn mưa rừng lớn là toàn bộ công sức, tiền của cũng theo suối ra sông về với biển… Nhưng, mặc dù nhiều người ngăn cản, kể cả vợ con, ông Tân vẫn quyết làm bằng được. Ông chính là đảng viên Vi Văn Tân, một người từ lâu vẫn được bà con trong bản yêu quý bởi tính hay lam, hay làm, hay giúp đỡ và hướng dẫn người khác làm cùng. Khi quyết định đào ruộng làm ao nuôi cá, trong đầu ông luôn trăn trở suy nghĩ: Xem cái ti vi, nghe cái đài, thấy miền xuôi làm giàu bằng nhiều cách từ đất, từ ruộng, trong đó có mô hình cá, lúa kết hợp rất phù hợp với vùng ta. Họ làm được, ta cũng phải học theo mà làm. Cái gì không biết, không rõ thì tìm cán bộ nông nghiệp hỏi, nhờ họ bày cách làm. Mình là đảng viên, phải đi trước, làm trước thì dân mới tin, mới làm theo được. Phải làm để có cái ăn, không phải chịu cảnh nghèo khó nữa, phải làm để quê hương giàu có, no ấm lên chớ!

Nghĩ được là phải bắt tay vào làm ngay. Đầu tiên, ông quyết định thử nghiệm trên thửa ruộng nhà có diện tích 960 m2. Hồi lâu tính toán, ông đào ruộng sâu thêm, xúc đất đắp bờ bốn phía cao hơn. Một mình hì hục gánh đất, đào, xúc, đắp ao ròng rã cả tháng, cuối cùng ông Tân cũng đã hoàn thành bước đầu kế hoạch biến ruộng thành ao nuôi cá. Nhìn thửa ruộng vuông vắn, bờ đắp cao rất thuận tiện để cá ở và cho cá ăn, ông Tân nghĩ đến một ngày mai nơi đây sẽ có những đàn cá đông đúc… Được cán bộ khuyến nông ủng hộ, giúp đỡ 5kg cá giống, hướng dẫn kỹ thuật cấy lúa và thả cá kết hợp, ông Tân cặm cụi ghi nhớ và hỏi ngay những điều chưa hiểu. Trước khi cấy lúa, toàn bộ số phân chuồng, ông đem bón lót. Thửa ruộng của nhà đã được cày bừa kỹ, nay no phân, đủ nước, mạ cấy xuống đến đâu, bén rễ ngay đến đó, lớn nhanh như thổi. Có con cá bảo vệ, cá ăn côn trùng, sâu rầy, phân cá tan trong nước bón cho ruộng lúa thêm xanh tốt. Mùa làm đòng phấn hoa rơi xuống lại thêm thức ăn cho cá. Lúa mau tốt, cá mau lớn, niềm vui của ông Tân cũng lớn lên từng ngày. Sau bao nhiêu công sức, trông chờ, vụ lúa vừa rồi, ông Tân đã trúng lớn, gặt được gần tấn lúa, cao gấp đôi so với vụ trước. Khi thu hoạch cá, ngoài phần để dành sử dụng dần, biếu bà con chòm xóm cùng thưởng thức, phần còn lại, đem ra chợ bán, ông Tân cũng thu được gần 4 triệu đồng. Tăng thu nhập, bữa cơm trong gia đình ông thêm ngon. Không còn nữa cảnh khốn khó những năm trước, khi rời ruộng là ông ra suối kiếm cá, bà vào rừng tìm canh, hôm nào bắt được con cá, con cua, bữa ăn mới có thêm món mặn. Giờ đây, vợ chồng ông Tân đã có thời gian ngồi xem ti-vi, nghe đài để học thêm nhiều điều hay, biết thêm những kiến thức mới, đặc biệt là những kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cá, lúa. Nghe được thông tin nào hay, ông truyền lại cho bà con trong bản, động viên nhiều hộ gia đình khác cùng đào ao, vừa nuôi cá, vừa cấy lúa giống nhà mình…

Đến thăm gia đình đảng viên Vi Văn Tân những ngày này, đứng giữa cánh đồng gió lộng, nhìn nét mặt ông rạng ngời trong nắng chiều, chúng tôi cũng thấy rạo rực niềm vui. Cách đây chưa lâu, thửa ruộng này hết vụ cấy lúa, đất bỏ hoang, phân bón phơi giữa trời… Nay, cũng trên mảnh đất ấy, lúa gặt xong, bắt cá về, ông bà lại tiếp tục bắt tay vào cày sâu, bừa kỹ, tiếp tục cấy lúa, thả cá. Vụ mùa năm nay, thửa ruộng nhà ông lại tiếp tục xanh tốt nhất bản…

Tấm gương đảng viên Vi Văn Tân đi đầu ứng dụng kỹ thuật mới trong kết hợp trồng lúa, nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cao đã lan nhanh trong vùng. Vậy là, người nông dân miền núi biên cương Mường Quạ đã bắt nhịp với cuộc sống mới, biết làm giàu bằng đôi bàn tay và khối óc ngay trên đồng đất, ruộng lúa của mình. Từ đây, nhiều gia đình đã biết phá bỏ tập quán “rau rừng, cá suối”, xua đi cảnh đói nghèo, lam lũ khi xưa. Theo gương đảng viên Vi Văn Tân, người dân trong vùng đang đua nhau làm thêm ấm bản, no mường, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.