Họ đều xuất thân nghèo khó, với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ chịu khó học hỏi nên đã tìm ra cho mình mô hình làm ăn hiệu quả và trở nên giàu có. Hiện trong tay mỗi người có cơ ngơi trị giá hàng chục tỷ đồng và mỗi năm thu lời trên dưới một tỷ đồng...
* Luôn đi trước một bước
Hơn 20 năm trước, nghe tin ông Sâm Dịch Phi tính đưa vợ con về ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang (TX. Long Khánh) sinh sống, bạn bè ai cũng can ngăn vì nơi đó vùng sâu, vùng xa, đi lại rất khó khăn. Bỏ qua lời khuyên của mọi người, ông Phi quyết tâm về lập nghiệp tại mảnh đất Bàu Cối. Chính ông là người tiên phong đưa giống chôm chôm nhãn vào trồng ở Bảo Quang. Chỉ sau 3 năm cây cho trái với giá bán luôn gấp 2 - 3 lần chôm chôm thường đã giúp ông thu lợi nhuận khá cao.
Lời lãi bao nhiêu ông dồn vào mua đất mở rộng thêm diện tích trồng chôm chôm nhãn lên đến 5 hécta. Sau 10 năm thu hoạch, vườn chôm chôm nhãn sắp đến thời kỳ cỗi, ông lại lặn lội đi tìm cho mình một loại cây trồng mới và đã đưa cây mít Viên Linh về trồng thay thế. Sau 2 năm cây mít Viên Linh đã cho trái và từ năm thứ 3 lượng trái trên 1 cây đạt khoảng 150kg, có giá bán tại vườn từ 7 - 10 ngàn đồng/kg. Hiện ông Phi có khoảng 3 hécta mít Viên Linh đang cho trái, mỗi năm thu lời gần 200 triệu đồng/hécta, gấp 2 lần so với trồng chôm chôm nhãn.
Tuy cây mít đang trong thời kỳ sung sức, cho trái nhiều, nhưng ông đã chuẩn bị cho mình một giống mới để khi cây mít Viên Linh vừa già cỗi thì sẽ có cây khác thay thế. Ông Phi cho biết: "Tôi đang trồng thí điểm giống mít nghệ, nếu phù hợp với chất đất ở đây thì 2 - 3 năm nữa tôi sẽ đưa vào trồng xen trong vườn mít Viên Linh và chôm chôm để khi những cây này đến thời điểm phải chặt bỏ sẽ có thu hoạch mít nghệ. Mít nghệ được thị trường khá ưa chuộng vì ăn ngon, ngoài ra còn có thể đem sấy khô để xuất khẩu, giá bán luôn ổn định ở mức 17 ngàn/kg. Tính ra, lợi nhuận có thể đạt trên 300 triệu đồng/hécta".
Bí quyết làm giàu của ông Phi là luôn chịu khó tìm tòi học hỏi, chủ động trồng loại cây mới, đạt hiệu quả kinh tế cao. Chính nhờ vậy mà lúc nào vườn cây của ông cũng có hoa lợi.
* Trở thành tỷ phú từ nuôi gà
Vào thăm trang trại nuôi gà của anh Nguyễn Thanh Sơn, ấp Đức Long II xã Gia Tân II (huyện Thống Nhất), ít ai ngờ cơ ngơi bề thế đáng giá hàng chục tỷ đồng được anh gây dựng từ hai bàn tay trắng. Theo lời anh kể, gia đình anh trước đây rất nghèo, 18 tuổi anh đã phải xa nhà xuôi ngược buôn bán để kiếm sống, nhưng vì không có duyên với nghề này nên anh thường bị thất bại. Năm 1994, anh bỏ buôn bán và mở trang trại nuôi gà, lúc ấy giá thức ăn chăn nuôi rẻ, người nuôi gà công nghiệp theo hình thức trang trại còn ít nên đầu ra thường được các thương lái bao tiêu. Mỗi đợt gà xuất chuồng anh Sơn lời gần gấp đôi số vốn bỏ ra. Gom góp tiền lời anh tiếp tục mở rộng trang trại, đến năm 2000 anh đã xây dựng được 12 trại nuôi gà với tổng đàn khoảng 100 ngàn con/đợt, chủ yếu là gà trắng, gà tam hoàng. Mỗi năm nuôi được khoảng 4 đợt, sau khi trừ chi phí mỗi đợt anh còn lời trên 100 triệu đồng. Anh Sơn cho hay: "Tôi thành công là nhờ luôn áp dụng những công nghệ mới vào chăn nuôi như chuồng nuôi có sàn để gà đi lại không bị hư bàn chân. Ngoài ra, trong các trại đều được lắp đặt hệ thống phun sương làm mát để nhiệt độ ổn định cho gà phát triển nhanh. Trại gà của tôi nuôi có thời gian xuất chuồng mỗi đợt rút ngắn được từ 7 - 10 ngày so với các trang trại khác và khách hàng thường đặt mua cao hơn 2 - 3 giá". Vừa qua giá gà xuống thấp làm anh Sơn thiệt hại khoảng 300 triệu đồng, nhưng anh vẫn tiếp tục duy trì đàn và chuyển qua nuôi gà tam hoàng nhiều hơn. Gần đây, giá gà tam hoàng tăng cao, anh thu lời vài trăm triệu đủ bù cho khoản lỗ trước đó. Anh Sơn nói, làm ăn đôi khi phải liều mới có lời lớn. Qua theo dõi giá heo gà nhiều năm tôi nhận thấy nó phát triển theo chu kỳ: tăng cao rồi giảm và trong thời kỳ giá giảm xuống thấp nhất nếu vẫn duy trì được đàn thì sau đó sẽ thắng lớn. Chính vì vậy mà sau 14 năm làm nghề nuôi gà, từ hai bàn tay trắng hiện anh Sơn đã có trong tay 12 trại nuôi gà, một căn nhà đầy đủ tiện nghi và một chiếc xe hơi đời mới sang trọng với tổng giá trị tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng.
* Giàu có từ làm thuê
Sau giải phóng, anh Hà Văn Thẩm theo gia đình về ấp Suối Râm, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) sinh sống. Nhà nghèo nên học hết THCS anh phải nghỉ học để ở nhà phụ cha mẹ làm rẫy kiếm sống. Năm 1987, anh vừa tròn 20 tuổi cha mẹ cưới vợ cho anh. Cả 2 bên gia đình đều nghèo nên gia sản cho vợ chồng anh chẳng có gì đáng kể. Để có cái ăn vợ chồng anh phải làm thuê, làm mướn đủ nghề. Sau 10 năm đói khổ, chắt chiu vợ chồng anh mới dành dụm mua được mảnh vườn và vài heo nái để nuôi. Thế nhưng chỉ 4 năm sau anh đã gầy dựng được một trang trại nuôi heo với tổng đàn lên đến vài trăm con. Hiện trang trại của anh Thẩm đã được mở rộng khoảng 8.000m2 với gần 2.000 đầu heo, trong đó có 230 heo nái và 1.700 heo thịt, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 20 tấn heo hơi thu lời trên 1 tỷ đồng/năm. Anh Thẩm kể: "Tôi có được như hôm nay là nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín để giảm chi phí đầu vào và chủ động được nguồn giống. Phân heo thải ra một phần tôi dùng chạy máy phát điện phục vụ trang trại và mở thêm dịch vụ hàn xì, hàng năm cũng cho thu lời 100 triệu đồng. Một phần phân heo còn lại bán cho các trang trại trồng trọt cũng đủ tiền trả công thợ. Vì vậy, thời gian qua giá heo xuống thấp tôi vẫn không bị lỗ. Bên cạnh đó, để tận dụng những con heo bị còi, bệnh tôi đã xây thêm hồ để nuôi cá sấu, vừa có thêm nguồn thu lại giảm ô nhiễm".