Ở thôn An Mỹ, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) có một “lão nông” được mọi người rất nể phục vì ý chí làm giàu, đó là ông Nguyễn Văn Lý. Mặc dù đã ngoài 50 tuổi nhưng vợ chồng ông vẫn dọn ra ở riêng, làm chủ một trang trại gần 2000 m², cho thu nhập trên 170 triệu đồng mỗi năm.
Mấy năm trở lại đây, xã Đại Thắng có phong trào thi đua làm kinh tế với nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: mô hình trang trại VAC, nuôi cá, gà, lợn, con đặc sản… Tuy đã ngoài 50 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Lý cũng không chịu “kém cạnh” cánh thanh niên trẻ mà quyết chí làm kinh tế mới. Khi xã Đại Thắng có chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi những diện tích trũng sang nuôi trồng thủy sản, ông Lý bàn với vợ xin chuyển đổi để làm trang trại, xây dựng mô hình nuôi cá kết hợp với chăn nuôi. Tháng 10/2008, vợ chồng ông bắt tay vào xây dựng trang trại. Với 5 sào ruộng dồn được (tương đương với 1.800 m²), ông dành 1.440 m² để đào ao thả cá, 330 m² xây dựng chuồng gà, còn lại xây nhà tạm để vợ chồng ông dọn ra ở. Mặc dù con cháu can ngăn, lo sợ ông bà có tuổi, đau yếu nhưng ông bà vẫn gạt đi, nhất quyết muốn ra làm kinh tế. Ông vay mượn của anh em, họ hàng cộng với số tiền tích cóp được gần 100 triệu đồng thuê máy xúc đào ao thả cá và huy động anh em giúp đỡ xây dựng chuồng trại nuôi gà.
Dưới ao ông thả đủ các loại cá để tận dụng mặt nước và thu hoạch nhiều lứa: 500 con cá trắm, 400 con cá chép, 600 con cá trôi, 1000 cá mè và đặc biệt ông là một trong số ít người đưa con cá rô đồng về nuôi thử. Lứa đầu tiên ông thả 50.000 con cá rô đồng. Chỉ tính tiền cá giống các loại của ông đã tốn khoảng trên 10 triệu đồng. Mới bắt đầu nuôi cá rô đồng, ông Lý đã phải chịu khó học hỏi thêm kiến thức từ các cán bộ thủy sản và đọc thêm sách báo. Những lúc cá xuất hiện dấu hiệu lạ, ông chạy đi hỏi ngay để có biện pháp chữa trị kịp thời. Rất may, con cá rô đồng khỏe mạnh, ít khi bị bệnh nên chi phí thuốc men không đáng kể. Ông còn học được cách dùng lá xoan để trị bệnh trùng mỏ neo cho cá, vừa an toàn lại vừa tiết kiệm.
Trên bờ, ông nuôi 10.000 con gà công nghiệp trắng. Từ ngày có trang trại, ông bà không lúc nào hết việc. Hàng ngày, hai vợ chồng ông luôn tay luôn chân hết cho gà, cho cá ăn đến vệ sinh chuồng trại. Ông bà còn tận dụng khoảng đất trên bờ ao để trồng chuối, rau để phục vụ bữa cơm gia đình. Trong căn nhà tạm của hai vợ chồng ông, ngoài chỗ kê chiếc giường và bộ bàn ghế còn lại chất đầy cám dành cho gà, cá. Ông Lý nuôi cá theo kiểu bán công nghiệp, tức là cho cá ăn cả cỏ lẫn cám công nghiệp và tận dụng một lượng lớn phân gà làm thức ăn cho cá. Như vậy tiết kiệm được chi phí và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Năm 2009, ông thu được gần 6 tấn cá các loại, trừ chi phí giống, thức ăn ông cũng thu lãi 60 - 70 triệu đồng. Trong đó, cá rô đồng có giá trị cao nhất. Với 2 tấn cá, giá bán 45.000 đồng/kg, ông thu được 90 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi 40 triệu đồng. Còn đàn gà, tuy năm nay không được giá nhưng ông vẫn thu về 750 triệu đồng, trừ chi phí đi ông vẫn bỏ túi 100 triệu đồng. Tính ra, tổng thu nhập cả năm 2009 từ cá, gà của ông Lý được 175 triệu, là một trong những hộ có thu nhập cao của xã. Trong đợt tổng kết các mô hình kinh tế của xã Đại Thắng vừa qua,trang trại của ông Nguyễn Văn Lý được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu.