00:00 Số lượt truy cập: 3041996

Chuyện ông vua cá đất Xuân Trường 

Được đăng : 03/11/2016
Con đường nhỏ vào bãi tôm, cá gập ghềnh như chính cuộc đời người đàn ông đã dành cả cuộc đời nỗ lực để con cái được học hành đến nơi đến chốn. Ông là Phạm Đức Hậu ở xã Xuân Hoà (Xuân Trường - Nam Định), người làng quen gọi ông bằng cái tên thân thuộc: “Vua cá Xuân Trường”.

Ông Hậu đang thu hoạch cá.

Nhọc nhằn con đường thoát nghèo

Là con thứ tư trong một gia đình thuần nông có tới 10 người con, tuổi thơ của ông Hậu khá nhọc nhằn. Sau khi tham gia quân ngũ trở về quê hương rồi xây dựng gia đình, ông phải đối mặt với nỗi lo cơm áo cho vợ con. Khi ra ở riêng, tài sản vợ chồng ông mang theo chỉ có 60kg thóc. Bao vất vả dồn lên vai đôi vợ chồng trẻ khi 4 đứa con lần lượt ra đời.

Với chất lính và sức vóc có sẵn, ông Hậu lao vào cuộc mưu sinh với đủ thứ nghề. Lo cái ăn đã khó, khi con cái đến tuổi đi học thì khó khăn còn tăng lên gấp bội. Biết trông vào mấy sào ruộng không thể đủ ăn, ông Hậu theo người quen đi buôn. Không ngại khó, ông buôn muối, đạm, cá rồi cả ba ba, rắn rết. Đi buôn chẳng được, ông chuyển sang đóng gạch. Làm gạch thua lỗ, ông lại nuôi ba ba, vịt nhưng đều thất bại không có kinh nghiệm. Có lúc ông Hậu nghĩ đến chuyện bán nhà trả nợ rồi bắt các con nghỉ học để lo phụ cha mẹ kiếm tiền. Nhưng thương con và biết nếu xa rời cái chữ, đời con lại khổ như mình, ông quyết tâm cho con đi học.

Sau khi chăn nuôi thua lỗ, vợ chồng ông Hậu lại vay mượn anh em bạn bè để có tiền trả nợ và nuôi dê. Sau đó, ông quyết định chuyển sang nuôi bò. Cũng từ đây, cuộc sống gia đình ông đỡ vất vả hơn. Năm 2006, vợ chồng ông mạnh dạn đấu thầu 4ha ao bãi để nuôi tôm và cá theo hình thức bán tự nhiên. Trời chẳng phụ người chịu thương chịu khó nên tôm, cá của gia đình ông lớn nhanh như thổi. Năm 2007, ông thầu thêm 7,5ha để mở rộng chăn nuôi. Nói về kinh nghiệm nuôi cỏ, ông Hậu chia sẻ: “Phải hiểu được đặc tính của dòng chảy để lấy nước đúng thời điểm, hãm đồng (đóng đồng không cho nước ra vào) đúng lúc thì sẽ nắm được 70% thành công. Vì là nuôi tự nhiên nên giống cũng tự nhiên, trứng cá, tôm theo nước vào bãi đồng tự sinh trưởng phát triển nên không cần cho ăn”. Với cách làm này, mỗi năm gia đình ông Hậu thu về hàng tấn cá, lãi hàng trăm triệu đồng.

Tương lai sáng lạn

Thương cha mẹ vất vả nên các con của ông Hậu đều cố gắng học hành. Con gái cả Trần Thị Hiền suốt 12 năm liền là học sinh giỏi, hiện đã là cô giáo. Không thua kém chị, cô em Trần Thị Hợp sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Tiếp sau, các em Trần Thị Mến, Trần Tiến Minh cũng đỗ Đại học Mở và Đại học Kiến trúc Hà Nội. Khi kể chuyện về các con, ông Hậu không giấu được niềm vui sướng, hạnh phúc. Nay, dù con cái đã trưởng thành, vợ chồng ông lên chức ông bà nhưng lòng hăng say lao động vẫn vẹn nguyên. Khi có người cần trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm, cá, ông sẵn sàng chia sẻ.

Vợ ông Hậu giờ không còn tất bật lo ăn từng bữa như trước nhưng đôi tay “ông vua cá” vẫn chưa muốn dừng lại. “Tôi muốn giúp bà con thoát cảnh nghèo để các cháu trong những gia đình khó khăn có cơ hội học hành”. Có lẽ, mơ ước ấy sẽ còn theo ông Hậu suốt cuộc đời bởi hơn ai hết ông hiểu giá trị của sự học.