00:00 Số lượt truy cập: 3193531

Chuyện về người thương binh giàu nghị lực 

Được đăng : 03/11/2016
Đến huyện Bình Liêu, hỏi chuyện thương binh làm kinh tế giỏi, có lẽ không ai không biết đến ông Vi Xuân Phương, thương binh hạng 3/4 ở thôn Nà Phạ, xã Tình Húc. Ông là một trong những tấm gương sáng không cam chịu số phận, vươn lên thoát nghèo và trở thành điển hình cho phong trào nông dân giỏi của huyện.

Năm 1969, Vi Xuân Phương vừa tròn 18 tuổi, từ biệt gia đình lên đường nhập ngũ. Sau khoá huấn luyện, ông trở thành bộ đội đặc công của Quân đoàn 4, tham gia chiến đấu tại chiến trường B, Campuchia. Năm 1973, ông bị thương rồi xuất ngũ trở về địa phương. Mang trên mình thương tật, còn nguyên cả những mảnh đạn găm trong người, ông bị bệnh sốt rét gần 10 năm sau đó. Rồi ông lập gia đình với một cô giáo từ miền xuôi lên cắm bản. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn, lại thêm vết thương cũ tái phát, nhiều khi ông thấy bất lực, muốn từ bỏ tất cả. Nhưng rồi người vợ tần tảo kia đã gánh vác cùng ông, động viên và chăm sóc ông những ngày trái gió, trở trời. Ông bà lần lượt sinh được 3 người con trai, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Những vết thương trên thân thể do chiến tranh và những khó khăn không làm ông đớn đau bằng việc ông biết mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và hậu quả là người con trai thứ 2 bị thiểu năng trí tuệ. Song với suy nghĩ mình là trụ cột gia đình, không thể để vợ con đói khổ mãi được, ông quyết chí vượt qua bệnh tật, vươn lên.

Ban đầu, với số vốn ít ỏi dành dụm được cộng với số tiền vay mượn từ bạn bè, ông đã mở xưởng mộc. Khởi nghiệp chỉ là những sản phẩm nhỏ như: bàn ghế học sinh, bàn uống nước… cung cấp cho bà con trong bản. Khi đã có được số vốn nhất định, ông đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng cây ăn quả. Và cứ thế, năm qua năm, ông trời không phụ công người, vườn cây của ông ngày càng phát triển đem lại khoản thu nhập đáng kể cho gia đình. Không dừng lại ở đó, ông đã tham gia vào các lớp học do cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, đi tham quan, tìm hiểu các mô hình làm kinh tế VAC. Trở về, ông đi vay vốn, áp dụng những kiến thức học được đầu tư vào chuồng trại, trồng rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời vẫn tiếp tục phát triển nghề mộc. Hiện gia đình ông đã trồng được hơn 3ha rừng hồi, thông bắt đầu cho thu hoạch. Chăn nuôi, trồng trọt và thu nhập từ xưởng mộc đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.


Từ mô hình VAC hiệu quả của ông, nhiều gia đình trong huyện đã tìm đến để học, làm theo và đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của ông. Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông còn rất hăng hái, nhiệt tình trong công tác Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân của xã Tình Húc. Những việc làm thiết thực của ông đã được chính quyền địa phương đánh giá cao. Trong nhiều năm liền ông được tặng danh hiệu người công dân kiểu mẫu, gia đình được công nhận gia đình văn hoá.