Chuyện vượt khó làm giàu của một thương binh
Được đăng : 03/11/2016
Đến xã Hải Thượng (Tĩnh Gia - Thanh Hóa), hỏi thăm nhà thương binh Trương Ngọc Tuyển, ai cũng nhiệt tình giới thiệu, bởi anh là người nổi tiếng trong vùng, dù đôi chân không lành lặn nhưng đã nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương...
Sinh ra và lớn lên tại xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia), anh Tuyển là con thứ 4 trong một gia đình nghèo có 6 người con. Cuộc sống khó khăn đã hun đúc cho anh đức tính cần cù, chịu khó như bao người dân xứ Thanh. Năm 1983, sau khi rời ghế nhà trường, anh tình nguyện xung phong sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong một trận đánh ác liệt, anh vĩnh viễn mất đi chân trái. Sau khi được điều trị, anh về an dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng xã Tây Hồ (huyện Thọ Xuân), đến cuối năm 1985, anh quyết định xin về quê kinh doanh buôn bán, phát triển kinh tế.
Ngày trở về quê, cơ thể không còn nguyên vẹn, vô tình trở thành vật cản trong chuyện tình yêu của anh Tuyển với cô bạn gái thời phổ thông, dù hai người vẫn yêu nhau thắm thiết. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, ý chí vượt lên số phận, hai người đã đến với nhau bằng một đám cưới vào năm 1986.
Những năm đầu bắt tay vào làm kinh tế, anh Tuyển nhận thấy miền biển có nhiều muối, mắm, ruốc nên anh mang những sản phẩm đó lên các huyện miền núi bán cho bà con, sau đó lại mua khoai sắn về bán cho dân miền biển. Dần dà, hai vợ chồng cũng tích lũy được ít vốn, anh Tuyển liền nghĩ tới việc buôn bán xa hơn, tức là mang muối ra tận Hải Phòng đổi lấy bóng điện, đài, lưới đánh cá, dụng cụ đi biển… rồi về bán lại cho ngư dân Tĩnh Gia, sau đó buôn thêm các mặt hàng vật liệu xây dựng như luồng, gạch, ngói…
Lúc này, Nhà nước mới áp dụng cơ chế mở cửa nên việc giao thương buôn bán cũng khá thuận tiện, nhưng với thương binh bị mất một chân như anh Tuyển, khó khăn vẫn chồng chất, nhất là những vết thương cứ liên tục cào xé mỗi lúc trái gió trở trời. Tuy nhiên, bằng niềm hy vọng vào tương lai, anh Tuyển tin rằng: có ý chí thì sẽ vượt lên tất cả; có đam mê ắt sẽ thành công. Với suy nghĩ đó, dù chỉ đi bằng một chân, nhưng có lần anh Tuyển lặn lội sang tận Trung Quốc để tìm thị trường, nhập bát đĩa, đồ gia dụng mang về nước bán.
Nắm bắt được cơ chế thị trường thời kỳ mở cửa, ngay trên quê hương lại có nhà máy xi măng, rồi cảng Nghi Sơn đang dần trở thành một khu kinh tế lớn, năm 2004, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, anh Tuyển cùng 5 đồng chí là thương bệnh binh trong xã đứng ra thành lập Công ty TNHH Sơn Long, do anh làm Giám đốc. Hoạt động của công ty chủ yếu tập trung vào lĩnh vực vận tải, bốc xếp hàng hóa, xây dựng các công trình đường bộ, đường thủy, san lấp mặt bằng cho các dự án... Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, chỉ 2,5 triệu đồng nên ban đầu, Công ty TNHH Sơn Long gặp không ít khó khăn, nhưng với bản lĩnh của người lính cụ Hồ, cùng cách làm sáng tạo, niềm đam mê với công việc, công ty của anh Tuyển làm ăn ngày càng có lãi, được nhiều khách hàng biết đến.
Hiện, Công ty TNHH Sơn Long đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động và hàng chục lao động thời vụ, trong đó chủ yếu là con em của các gia đình thương binh - liệt sỹ địa phương; thu nhập bình quân của người lao động đạt 3 triệu đồng/tháng, riêng công nhân kỹ thuật 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Anh Tuyển cho biết, những năm gần đây, năm nào công ty cũng đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước cũng như tham gia đóng góp nhiệt tình vào các quỹ tình nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc da cam, quỹ khuyến học, đồng thời luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Không những kinh doanh giỏi, anh Tuyển còn có một gia đình hạnh phúc, đầm ấm bên người vợ đảm đang và 4 người con (2 trai, 2 gái) ngoan ngoãn, học giỏi. Tất cả đều học đại học, trong đó 2 con đã công ăn việc làm ổn định.
Với những thành tích trong kinh doanh, nhiều năm liền thương binh Trương Ngọc Tuyển được UBND xã, UBND huyện, UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen, Giấy khen. Năm 2013, anh là một trong 2 người vinh dự được UBND tỉnh Thanh Hóa cử đi Nha Trang (Khánh Hòa) tham dự lễ kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7.
Chia tay chúng tôi, anh Tuyển tâm sự với nụ cười mãn nguyện: “Có được kết quả như hôm nay, trước hết là nhờ các chính sách ưu tiên của Nhà nước, nhờ có người vợ luôn ở bên đã giúp đỡ tôi từ việc công ty tới việc nhà… Hy vọng một ngày nào đó, thương hiệu của công ty ngày càng vang xa, sẽ tạo việc làm cho nhiều con em gia đình thương binh - liệt sỹ, đó mới là mong muốn lớn nhất của đời tôi…”.Như Quỳnh