Trải nhiều "sóng gió" với nghề chăn nuôi gà, lợn bởi dịch bệnh, thời giá không ổn định nhưng không chịu thất bại, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuyến và chị Tạ Thị Ngọc, thôn Cát Động (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) đã bôn ba nhiều nơi học tập mô hình chăn nuôi mới.
Sau thời gian dài nghiên cứu thử nghiệm, gia đình anh Tuyến cũng đã đưa được đàn ếch từ đất nước xa xôi Thái Lan về địa phương chăn nuôi.
Chúng tôi về thôn Cát Động vào thời điểm gia đình anh Tuyến đang khai ao, để kịp cho đợt nuôi đàn cá mới, che chắn lại bể nuôi ếch chuẩn bị phòng đợt gió mùa đông bắc mới sắp về. Khi biết Đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh và huyện Thanh Oai đến thăm mô hình nuôi ếch, không kịp mời vào nhà, chị Ngọc dẫn ngay chúng tôi ra thăm những chuồng ếch bố mẹ ở cạnh bờ ao. Chị đã kể cho chúng tôi về cơ duyên đến với nghề nuôi ếch của vợ chồng chị.
Trước đây, gia đình chị Ngọc làm nghề bán tạp hóa, nhưng kinh tế cũng chỉ đủ ăn, không "để dành" được đồng nào. Cách đây khoảng chục năm, gia đình chị có quen một người bạn ở huyện Hoài Đức chăn nuôi gà cho thu lãi cao, mà vốn cũng không lớn. Hai vợ chồng chị Ngọc bàn tính chuyện học tập mô hình nuôi gà của người bạn. Thanh lý cửa hàng tạp hóa, bắt tay vào xây dựng chuồng trại, chỉ 2 năm sau, gia đình chị Ngọc trở thành hộ chăn nuôi gà lớn nhất thôn Cát Động. Nhưng đến năm 2003, dịch cúm gia cầm lan rộng trong tỉnh, hơn 1,8 vạn con gà của gia đình không bán được, trong đó số lượng lớn phải mang đi tiêu hủy.
Rơi vào cảnh "trắng tay", khánh kiệt về kinh tế, gia đình chị Ngọc tìm cách chăn nuôi mới, nhưng lại gặp phải khó khăn thiếu vốn đầu tư, bởi chỉ được địa phương hỗ trợ 150 triệu đồng tiền tiêu hủy đàn gà do dịch cúm. Đang tính xem có thể chăn nuôi con gì cho hiệu quả, thì tình cờ vợ chồng chị Ngọc xem truyền hình thấy giới thiệu mô hình nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế cao, nguồn thức ăn lại dễ kiếm, chăm sóc đơn giản. Nhận thấy nếu chỉ thông qua sách, báo, truyền hình sẽ không đủ kinh nghiệm nuôi ếch, vợ chồng chị Ngọc quyết định vào tỉnh Hà Tĩnh để học tập mô hình nuôi ếch của nông dân địa phương.
Sau thời gian học tập kinh nghiệm thực tế, gia đình chị Ngọc nuôi thử nghiệm 6.000 con ếch thịt. Sau một thời gian xuất chuồng, gia đình chị đã thu lãi 18 triệu đồng. Nuôi ếch tốn ít nguồn thức ăn, nhưng cho lợi nhuận cao, 1kg ếch (4 con) bán ra thị trường được 40.000 đồng, nên ngay sau đợt xuất chuồng lứa ếch đầu tiên, vợ chồng chị đã nghĩ ngay đến chuyện nhập ếch bố mẹ về nuôi sinh sản, rồi bán ếch giống cho nông dân trong vùng. Cuối năm 2004, gia đình anh chị đã nhờ kỹ sư chăn nuôi nhập giống ếch bố mẹ từ Thái Lan về nuôi, thuê chuyển giao công nghệ nuôi ếch sinh sản. Với 400 cặp ếch bố mẹ (250.000đồng/cặp), sau 3 tháng nuôi sinh sản, lứa ếch giống đầu tiên đã mang lại cho gia đình chị Ngọc số lãi 50 triệu đồng và chị đã phát triển lên 600 cặp ếch bố mẹ.
Theo kinh nghiệm nuôi ếch của vợ chồng chị Ngọc, thì cứ 3 năm lại phải thay giống ếch bố, mẹ một lần. Một năm, mùa sinh sản của ếch từ tháng 2 đến tháng 7, chúng đẻ khoảng từ 5 đến 7 lứa. Giống ếch không chịu được rét, chính vì thế, kỹ thuật chăm sóc đàn ếch trong mùa đông được coi là khâu quan trọng nhất và tốn nhiều công sức trong quy trình nuôi ếch. Đến nay, mỗi năm gia đình chị Ngọc bán khoảng 1 triệu con giống, giá từ 800 đồng đến 1.000 đồng/con. Hiện nay, bên cạnh 600 cặp ếch bố mẹ, mô hình kinh tế trang trại của gia đình chị Ngọc còn chăn nuôi gần 1.000 con vịt, hàng nghìn con gà đẻ và 10 mẫu nuôi trồng thủy sản, doanh thu lên tới hàng tỷ đồng, trong đó con ếch là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Sau mấy năm chăn nuôi, gia đình chị Ngọc đã có một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp nhất, nhì trong thôn, là một trong những địa chỉ thu hút nhiều đoàn khách các tỉnh đến học tập kinh nghiệm nuôi ếch. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Ngọc còn giúp đỡ nhiều nông dân trong vùng về con giống, kỹ thuật chăm sóc đàn ếch thịt. Nhiều hộ nông dân được gia đình chị đầu tư con giống, đến khi nào thu hoạch, gia đình chị mới lấy tiền. Gia đình chị còn bán trả chậm gà giống cho hội viên nông dân, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Gia đình chị Ngọc liên tục đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, đó là những lời nhận xét của các cấp Hội Nông dân trong huyện Thanh Oai khi nói về gia đình chị Ngọc. Đây là tấm gương hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, để bà con nông dân trong tỉnh học tập và làm theo.