00:00 Số lượt truy cập: 3082277

Cơ hội để nông dân tham gia hệ thống bán lẻ lương thực 

Được đăng : 03/11/2016
“Những doanh nghiệp tư nhân có khả năng tăng số lượng việc làm và thu nhập cho người nghèo sẽ được Quỹ thách thức Việt Nam (VCF) hỗ trợ kinh phí nhằm giúp gánh đỡ một số rủi ro kinh tế mà các dự án đổi mới thường gặp phải” – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định trong Lễ khởi động VCF diễn ra vào sáng ngày, 10/11/2009 tại Hà Nội.

Theo bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện Bộ phận phát triển Quốc tế Anh (DFID), hai thập kỷ qua, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc đưa hàng triệu người ra khỏi cảnh đói nghèo, nhưng tình hình nghèo đói vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Trong giai đoạn ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, rất cần có sự quan tâm lớn đến người nghèo bởi ngày càng có nhiều nhiều người ở gần mức nghèo đói bị đẩy xuống dưới mức đói nghèo. Trong khi đó, các thị trường đặc biệt là ở khu vực nông thôn thường hoạt động không hiệu quả hoặc thiếu công bằng, làm hạn chế những cơ hội cho người nghèo tham gia và hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng. Vì thế, VCF được thiết kế để thách thức khu vực kinh doanh tại Việt Nam đề xuất những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo để có thể huy động sự tham gia và mang lại lợi ích cho người nghèo, trên cơ sở bền vững và có thể nhân rộng.

“Trước hết, VCF sẽ hỗ trợ những dự án thuộc khu vực tư nhân có tính sáng tạo nhằm cải thiện việc tham gia của người nghèo vào các chuỗi giá trị nông sản và nâng cao thu nhập cho họ. Quỹ trao những khoản tài trợ để khuyến khích việc đầu tư tại những điểm khác nhau của chuỗi giá trị ảnh hưởng tới người nghèo từ giai đoạn sản xuất tới khi sản phẩm thâm nhập vào hệ thống bán lẻ trong nước và quốc tế” - ông Buddhika Samarasinghe, Trưởng nhóm tư vấn VCF nói.

Đánh giá về ý nghĩa của VCF đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam, ông Phương cho rằng, trong quá trình đối phó lại những tác động khác nhau của suy thoái kinh tế toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng phối hợp với ADB và DFID trong công cụ mới sáng tạo này để đạt 2 mục tiêu phát triển là phát triển khu vực tư nhân và giảm nghèo.

VCF được bắt nguồn từ nước Anh, nhưng từ đó đã được DFID và các tổ chức khác thực hiện ở một số khu vực khác trên thế giới và được chứng minh là một công cụ phát triển hiệu quả.

VCF có tổng vốn 3 triệu USD được tài trợ không hoàn lại cho những ý tưởng, dự án được lựa chọn. Các dự án do Ban thẩm định độc lập của VCF lựa chọn qua một quá trình minh bạch và cạnh tranh, có quy mô tài trợ từ 30.000 – 250.000 USD. Giá trị của khoản tài trợ này có thể lên tới 49% tổng chi phí đầu tư của dự án.