Vùng trọng điểm trồng mới cao su
Theo Quyết định trên thì trong thời gian tới sẽ chia thành 3 giai đoạn để tiếp tục phát triển, ổn định việc trồng, chế biến cao su. Cụ thể, đến năm 2010, cả nước sẽ tiếp tục trồng mới 70 ngàn ha cao su để đạt tổng diện tích 650 ngàn ha, sản lượng mủ 800 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,6 tỉ USD, mở rộng công suất chế biến khoảng 220 ngàn tấn. Đến năm 2015, cả nước tiếp tục trồng mới 150 ngàn ha cao su, nâng diện tích lên 800 ngàn ha, sản lượng mủ đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỉ USD, mở rộng khả năng chế biến lên 360 ngàn tấn. Đến năm 2020, diện tích cao su cả nước ổn định 800 ngàn ha, nhưng sản lượng mủ nâng lên 1,2 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu nâng lên 2 tỉ USD.
Về cơ cấu nguồn vốn, theo tính toán sẽ cần mức đầu tư khoảng 30 ngàn tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, trạm xá, trường học thuộc vùng dự án và đào tạo nghề); phần đầu tư cơ bản còn lại (khai hoang, trồng mới, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm…) do các doanh nghiệp đầu tư.
Về quỹ đất, căn cứ vào những điều kiện, mà chủ yếu là yếu tố đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, diện tích phát triển cây cao su trong những năm tiếp theo cũng được Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, phân ra 5 vùng miền. Tây Nguyên là vùng trọng điểm trồng mới trong giai đoạn này với 95 - 100 ngàn ha để ổn định 280 ngàn ha. Vùng duyên hải Nam Trung bộ trồng mới 10 - 15 ngàn ha để ổn định 40 ngàn ha.
Cần ban hành các văn bản kịp thời
Như vậy, một lần nữa Chính phủ đã tạo ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mở rộng diện tích cao su, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế cho đất nước, góp phần giữ vững an ninh trên các vùng biên giới, bảo đảm ổn định việc làm cho hàng vạn lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quyết định nầy còn giải quyết rất nhiều vấn đề chung về quốc kế, dân sinh, đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, hiện nay nhiều văn bản liên quan vẫn “bó” các địa phương trong việc giải quyết giao đất cho doanh nghiệp.
Dẫn ra những vướng mắc, có thể coi ý kiến của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai là khá thực tế và cụ thể. Ví dụ, theo Thông tư 127/2008/TT-BNN quy định thì đối tượng rừng nghèo được chuyển sang trồng cao su là rừng nghèo kiệt và việc xác định rừng nghèo kiệt theo 2 tiêu chí về định tính và định lượng. Về định tính, Thông tư này quy định: “Rừng tự nhiên nghèo kiệt là trạng thái rừng tự nhiên thoái hóa hoặc kém phát triển, không có hoặc ít có khả năng phục hồi, phát triển, nếu áp dụng các biện pháp lâm sinh như: Nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi tái sinh sẽ đạt hiệu quả thấp…”. Đây là những chỉ tiêu không có cơ sở để xác định, hơn nữa đa số diện tích rừng của tỉnh Gia Lai bị nghèo đi do quá trình khai thác, sử dụng của con người, không phải do quá trình thoái hóa kém phát triển tự nhiên, nếu quản lý bảo vệ tốt (chưa kể việc áp dụng các biện pháp lâm sinh) thì khả năng phục hồi và phát triển của rừng rất cao. Nội dung này, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến và được Bộ Nông nghiệp và PTNT phúc đáp nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, còn rất chung chung nên đây là trở ngại chính của việc chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cao su...