00:00 Số lượt truy cập: 3045023

Cỗ máy mang thương hiệu nông dân 

Được đăng : 03/11/2016
Anh Lâm Văn Mười ở ấp Hòa Thuận, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất - Kiên Giang) trở nên nổi tiếng nhờ cỗ máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Lần đầu tiên xuất hiện, bà con vô cùng ngạc nhiên nhìn “vật thể lạ” thay con người làm công việc nặng nhọc. Nay xe phun thuốc của anh Mười đã trở thành cỗ máy hái ra tiền. Chỉ trong một năm, sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long...

“Vật thể lạ" trên đồng


Nhắc lại quãng thời gian mới bắt tay vào chế tạo, anh Mười kể: “Tôi âm thầm làm, nhiều đêm thức tới sáng vì nóng lòng tung sản phẩm ra thị trường kịp vụ hè -thu năm 2007. Đến khi lắp đủ bộ chạy thử trên mảnh đất trống trước nhà, người dân trong xóm ùn ùn tới coi. Nhiều người còn không tin máy có thể hoạt động tốt trên đồng ruộng. Họ bảo: “Cái xe kềnh càng, đưa ra đồng có nước đạp chết lúa chứ làm được gì”. Rất may, máy hoạt động rất ổn định, hiệu quả. Lúc đó có người hỏi mua ngay. Tôi tin rằng sản phẩm của mình có thể tồn tại...”. Bộ phận chuyền nhông và thùng phuy đặt trên cỗ xe 3 bánh trông rất lạ, nói như người dân địa phương đó là “vật thể lạ” trên đồng ruộng. Hai bánh sau được nhái từ bánh xe bò với đường kính 2,2m, hoạt động trong mọi giai đoạn phát triển của cây lúa.

Cấu tạo của cỗ máy rất thuận tiện, an toàn. Chiếc cần phun thuốc nằm phía sau xe để thuốc bảo vệ thực vật không ảnh hưởng đến người điều khiển. Chiều rộng cần phun xịt 18-20m, tức mỗi vòng xe có thể phủ thuốc kín mọi ngõ ngách trên một diện tích lớn. Nếu phun thuốc thủ công thì bề rộng mỗi lần người phun đi qua chỉ khoảng 2-3m nhưng không đều. Đó là chưa kể người phun phải hứng một lượng thuốc lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trong khi xe đi qua chỉ để lại ba đường mòn chiếm khoảng 3 tấc. Nếu người điều khiển khéo, có thể sử dụng khoảng cách của lúa sạ hàng làm đường đi cho xe thì coi như không mất diện tích lúa. Mỗi lần phun xịt đến 200 lít nước mới dừng lại bơm nước pha thuốc mới, hiệu quả, năng suất cao gấp nhiều lần so với bình phun thông thường.

Theo tính toán, xe phun thuốc của anh Mười có khả năng phun thuốc bảo vệ thực vật cho khoảng 100 công đất (1 công = 1.000m2) trong 1 ngày. Anh Nguyễn Văn Minh, người đầu tiên sử dụng xe phun thuốc này, cho biết: “Nếu làm thủ công, muốn phun thuốc cho 100 công đất cần đến 10 người làm suốt cả ngày. Chỉ tính công mướn người đã mất 1,2 triệu đồng. Trong khi đỏ, sử dụng xe phun thuốc chỉ tốn khoảng 4 lít dầu và 1 người điều khiển. Mỗi vụ lúa phải phun thuốc 7-10 lần. Nếu dùng xe phun thuốc của anh Mười có thể giảm gần 90% chi phí nhân công. Xe phun đều hơn và hiệu quả hơn so với phun xịt bằng bình...”. Trong điều kiện rầy nâu thường xuyên phá hoại mùa màng như hiện nay, với cỗ xe phun thuốc bảo vệ thực vật của anh Mười, nông dân có thể pha loãng thuốc so với sử dụng bình xịt thông thường nhưng vẫn hiệu quả. Mật độ phủ thuốc khi sử dụng xe phun đều và dày hơn, một mặt làm một lượng lớn rầy nâu rơi xuống nước; mặt khác, thuốc ướt đẫm toàn thân lúa giúp lúa hấp thụ thuốc tốt để tăng khả năng kháng rầy...

“Thương hiệu" của nông dân

Xưởng cơ khí của anh Mười nằm khiêm tốn một góc ở ấp Hòa Thuận. Chẳng cần bảng hiệu nhưng vẫn có rất nhiều nông dân tìm tới. Học hành không tới đâu nhưng nhờ chịu khó học hỏi, anh Mười đã rất thành công trong nghề cơ khí. Xã Nam Thái Sơn có diện tích trồng lúa lớn trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Mỗi hộ canh tác vài chục đến cả trăm hecta đất. Nhà không có nhiều đất ruộng nên 17 tuổi anh Mười đã học làm thợ cơ khí. Học thầy, học bạn cùng với sự tích lũy vốn, anh mở xưởng cơ khí để thỏa chí sáng tạo của mình. Nhờ gần gũi với các lão nông, anh cũng nhạy bén nắm bắt được nhu cầu của bà con. Hầu hết khách hàng đến xưởng cơ khí của anh đều liên quan đến máy móc nông nghiệp. Nhờ tiếp xúc nhiều với máy móc, anh dễ dàng cải tiến một số phương tiện cho phù hợp với điều kiện đất vùng này và nhu cầu sử dụng của khách hàng. Cải tiến máy phun thuốc bảo vệ thực vật là một thành công lớn của anh.

Trong điều kiện hiếm hoi lao động nông nghiệp, giá nhân công đắt như hiện nay thì xe phun thuốc của anh Mười trở thành mặt hàng nóng của thị trường. Thời gian đầu, xe hoạt động chưa ổn định nên anh Mười phải bảo trì trên đồng cho khách hàng. Nếu xe bị trục trặc, anh bỏ hết công việc ở xưởng cơ khí ra tận đồng để sửa chữa. Có lúc, anh phải tháo xe ra vận chuyển về xưởng chỉnh sửa lại cho phù hợp với địa hình đất ruộng của khách hàng. Mỗi lần như thế, anh rút kinh nghiệm và hoàn thiện sản phẩm của mình hơn. Chỉ trong một năm trở lại đây, anh đã bán ra thị trường trên 100 chiếc. Tiếng lành đồn xa, phần lớn sản phẩm của anh đã vươn đến các vùng có diện tích trồng lúa lớn như: An Giang, Cần Thơ, Long An... Hiện anh Mười đã chế thêm mẫu xe phun thuốc chạy bằng máy xăng thay máy dầu, hoạt động hộp số thay cho chuyền nhông... Giá bán mỗi chiếc khoảng 15-22 triệu đồng tùy loại. Nếu phục vụ phun xịt cho 100 công đất trồng lúa thì trong vòng 2 vụ nông dân đã hoàn vốn nhờ giảm chi phí thuê nhân công. Trong khi đó, anh Mười bảo hành sản phẩm đến một năm, tương đương 3 vụ lúa...

Nhắc đến sản phẩm của mình, anh Mười cười hiền lành, bảo: “Đây là sản phẩm của chung, chứ không dành riêng cho mình được. Tôi chỉ cải tiến để phục vụ khách hàng, coi như nông dân hiện đại hóa nông nghiệp và mình cũng có thêm thu nhập. Cải tiến của tôi ai sử dụng cũng được”. Phó chủ tịch UBND xã Nam Thái Sơn Phạm Văn Nam cho biết: “Nông dân ở đây cải tiến nhiều lắm. Có người còn sử dụng máy Honda đặt trên ghe đi vòng theo mương ruộng để bơm thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Công suất cũng khá, làm nhẹ công. Riêng chỉ có sáng kiến của anh Mười có thể khẳng định được hiệu quả cải tiến và sản xuất số lượng lớn ứng dụng trên đồng ruộng, góp phần tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp”.

Thời gian tới, anh Mười tiếp tục nghiên cứu, lắp ráp để cho ra đời những sáng chế mới bởi “đất nước mình vào WTO rồi, nông dân không thể làm theo phương pháp thủ công mãi được, phải đưa máy móc vào sản xuất, giảm sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản để đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.