Khi chị Phạm Thị Thùy cùng chồng nhận đấu thầu 1,5 mẫu đất ở vùng trũng, quanh năm ngập úng, xa khu dân cư, không có điện chạy qua, bà con trong thôn đều ái ngại, cho rằng anh chị đang “đánh bạc” với trời. Riêng anh chị lại nghĩ “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Thấy vợ chồng chị Thùy có chí làm giàu, Chi hội Phụ nữ thôn Phú Vật và Ngân hàng Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn đã cho vay 13 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. “Vạn sự khởi đầu nan”, hai năm đầu chi phí xây dựng trang trại và mua con giống nhiều, nên thu nhập của gia đình chỉ cao hơn cấy lúa chút ít, dù vậy đó vẫn là một tín hiệu vui, tạo thêm niềm tin và động lực để anh chị mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại. Năm thứ ba, thứ tư, 1,5 mẫu đất mà ai cũng tưởng không thể đem lại “cơm cháo” cho sự “liều lĩnh” của gia đình chị Thùy đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Có tiền, anh chị mua một máy cày tay, vừa phục vụ gia đình, vừa phục vụ bà con, xây dựng đường điện vào trang trại.
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, tháng 5/2007, trang trại đang tràn căng sức sống, hứa hẹn đem về nguồn thu lớn cho gia đình bỗng chốc bị một trận lốc xoáy cuốn đi hết, thế là anh chị trắng tay. Bế đứa con nhỏ trong lòng, nhìn trang trại hoang tàn, đổ vỡ sau cơn lốc, anh chị Thùy chán nản vô cùng. Nhưng nhờ có sự động viên, giúp đỡ, kịp thời của các ban ngành, đoàn thể, bà con lối xóm, nhất là Hội phụ nữ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cho chị vay vốn để khôi phục sản xuất, nên anh chị đã quyết tâm vượt qua mất mát, gây dựng lại cơ nghiệp, bởi với người nông dân chỉ có bám đất và làm giàu từ đất mới bền- chị Thùy nghĩ vậy.
Cùng với khôi phục trang trại, gia đình chị nhận thêm 5 mẫu ruộng bỏ hoang quanh đó cấy lúa, mua máy gặt, máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt vụ đông năm 2008, gia đình gieo trồng 5 mẫu đậu tương, cộng với thu nhập từ trang trại, gia đình chị xây dựng được ba gian nhà mái bằng kiên cố, sắm sửa đồ dùng gia đình, xây dựng lại và mở mang thêm chuồng trại. Nhận thấy gieo xạ đem lại nhiều lợi ích, năm 2009, anh chị tiếp tục đầu tư một máy gieo xạ, áp dụng KHKT vào sản xuất lúa xuân đem lại hiệu quả cao.
Không dừng lại ở 5 mẫu đậu tương đông như năm 2008, anh chị còn xin thêm ruộng của một số hộ bỏ không gieo trồng 16 mẫu đỗ tương (trở thành gia đình trồng nhiều đậu tương nhất tỉnh từ trước tới nay), thu gần 50 triệu đồng. Sự khắc nghiệt của thời tiết không làm chị Thùy nản chí và đất không phụ công người, cả năm 2009 gia đình chị thu gần 150 triệu đồng (số tiền này trước đây anh chị không bao giờ dám nghĩ đến).