Với việc dựa vào hai nguồn tài liệu cũ để đánh giá cá tra VN, WWF đã vi phạm nguyên tắc quan trọng của WTO là minh bạch và đa phương
Sau sự cố bêu xấu cá tra VN của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ở 6 nước châu Âu, đại diện WWF đã đến VN để đối thoại về vấn đề này. Tuy nhiên, vị đại diện này không hề có lời nhận lỗi và đưa ra biện pháp bồi hoàn về những thiệt hại có thể xảy ra khi hình ảnh cá tra bị bôi bẩn tại một số nước châu Âu.
Thêm vào đó, Tổng cục Thủy sản VN, Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) và Hội Nghề cá VN (VINAFISH) cũng không có đòi hỏi bảo vệ quyền lợi bị xâm hại nào, thậm chí còn nhượng bộ ký cam kết thực hiện theo Chứng nhận Nuôi cá tra bền vững của WWF - ASC.
Làm rõ hành động của WWF
Một lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết để xem xét việc WWF đưa cá tra VN vào danh sách đỏ sai sự thật, có thể dựa vào quy định tại Quyết định 340/1996/TTg ban hành quy chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại VN và Nghị định 148/2007/NĐ-CP về hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện.
Theo Nghị định 148, cá nhân, tổ chức VN, các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại VN trong việc thành lập, hoạt động quỹ.
Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích khuyến khích phát triển một số lĩnh vực để phát triển cộng đồng, không vì lợi nhuận. Trong đó, theo điều 7 Nghị định 148, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, đại đoàn kết dân tộc.
“WWF có văn phòng đại diện tại VN nhưng việc cá tra VN bị đưa vào danh sách đỏ ở 6 nước châu Âu mà WWF VN không nắm được thông tin, trong khi thông tin này lại gây ảnh hưởng về mặt kinh tế đến xuất khẩu cá tra VN thì có thể đã vi phạm điều khoản trong Nghị định 148” - vị cán bộ này khẳng định.
Trong khi đó, theo Quyết định 340, tổ chức phi chính phủ có văn phòng đại diện tại VN đã có hoặc dự kiến có các chương trình, dự án phát triển phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước VN phải cam kết chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật VN và tôn trọng các phong tục, tập quán truyền thống của VN. Do vậy, hành động đưa cá tra VN vào danh sách đỏ thiếu căn cứ của WWF rất cần được làm rõ.
WWF cần thu hồi tài liệu và đính chính
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng nếu chứng minh được những nhận định, phát ngôn của WWF về cá tra gây mất uy tín và thiệt hại về vật chất cho người nuôi thì có thể yêu cầu họ bồi thường hoặc có biện pháp khắc phục.
Người dân có thể dựa vào các hiệp hội của mình hoặc cơ quan cao hơn và các văn phòng luật sư để tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết. “Chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ việc tương tự. Dường như động thái tranh đấu để bảo vệ hình ảnh một sản phẩm mũi nhọn của lãnh đạo các cơ quan chức năng hơi “hiền lành” - ông Kính nhận xét.
Theo luật sư Lê Thành Kính, VN đứng đầu thế giới về xuất khẩu cá tra, nếu không làm cẩn thận, uy tín bị sụt giảm, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy. Ông Kính cho rằng Chính phủ cần vào cuộc trong vụ việc này, đồng thời có những động thái để các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn.
“Tôi thấy lạ là tại sao WWF chỉ nói tới chuyện đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ mà không thấy họ đả động đến phương án thu hồi tài liệu đã được phát ra rộng rãi một cách triệt để.
Cơ hội “PR” cho cá tra VN
Ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Canada Thái Bình Dương – TPHCM, cho rằng việc khởi kiện WWF ra tòa đối với việc bôi nhọ cá tra VN không chỉ là biện pháp bảo vệ quyền lợi người nuôi và xuất khẩu cá tra VN mà đồng thời còn thể hiện sự cứng rắn của VN trước các mũi công kích nhằm hạ uy tín sản phẩm thế mạnh này.
Bên cạnh đó, theo ông Thành, các vụ kiện cũng tạo thêm cơ hội để “PR” cho sản phẩm cá tra VN vốn đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng thế giới.
Nếu những tài liệu này không được thu hồi, không ít người tiêu dùng tại 6 nước châu Âu vẫn sẽ hiểu lầm về cá tra VN. Ngoài ra, chúng ta cần yêu cầu WWF có những hình thức đính chính kịp thời” - ông Kính phân tích.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cho biết thông tin trong cuộc họp báo mới đây cho thấy WWF dựa vào hai nguồn tài liệu là bài báo trên tạp chí Aquaclture năm 2009 (xuất bản tại Hà Lan) và bảng đánh giá tác động môi trường của ngành cá tra ở ĐBSCL từ ĐH Wageningen - Hà Lan năm 2009.
Ông Hậu khẳng định việc đánh giá ngành công nghiệp sản xuất cá tra của một quốc gia cung cấp tới 95% cá tra thương phẩm cho cả thế giới mà lại dựa vào hai nguồn tài liệu cũ, không có sự điều tra ngay tại chính nơi sản xuất những sản phẩm ấy đã cho thấy WWF vi phạm nguyên tắc quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là minh bạch và đa phương.
“Với tư cách thành viên WTO, nếu các cơ quan chức năng VN thấy rằng hành động của WWF gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế thì có thể khiếu nại hoặc kiện WWF lên WTO” – ông Hậu nói.