00:00 Số lượt truy cập: 3067233

Có thể tạm ngưng xuất khẩu tôm sang Nhật 

Được đăng : 03/11/2016
Tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật từ nay trở đi phải đăng ký qua Cục Quản lý Chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản

Tình hình hết sức nghiêm trọng và cực kỳ nguy hiểm...”. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) Trương Đình Hòe đã lặp lại nhiều lần như vậy trước thông tin Nhật Bản xem xét lệnh áp dụng cấm nhập khẩu tôm từ phía VN. Sáng 12-12, ông Hòe tiết lộ: “Chúng tôi đang soạn thảo văn bản gởi cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, để thông báo khả năng VN có thể sẽ ngưng xuất khẩu tôm sang thị trường này một thời gian!”.


- Phóng viên: Thưa ông, việc ngưng xuất khẩu liệu có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN)?

- Ông Trương Đình Hòe: Các DN cảm thấy cần có biện pháp khắc phục tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị nhiễm kháng sinh cấm (chloramphenicol) tại Nhật Bản, nên thống nhất với nhau đưa ra xem xét việc “tạm ngưng xuất khẩu các lô tôm biển sang Nhật” trong một thời gian nhất định. Mục đích là để củng cố, chấn chỉnh lại.

- Hiện nay, mức báo động đối với sản phẩm tôm của VN tại thị trường Nhật Bản như thế nào?

- Theo quy định của các cơ quan chức năng Nhật Bản, khi phát hiện lô hàng thứ 3 bị nhiễm kháng sinh cấm, họ sẽ ban hành lệnh kiểm tra 100% lô hàng cùng loại của nước xuất khẩu. Nếu phát hiện trên 5% tổng số lô hàng bị kiểm tra (trong số 60 lần kiểm tra gần nhất sau lệnh kiểm tra 100%), họ sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu tạm thời toàn bộ nhóm hàng đó. Đồng thời trước khi ban hành lệnh cấm nhập khẩu, phía Nhật sẽ tham vấn nước xuất khẩu để tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Hiện nay sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu của các DN VN đang ở giai đoạn này. Bởi từ sau khi áp dụng lệnh kiểm tra 100% đến ngày 22-11-2006, tỉ lệ vi phạm của mặt hàng tôm VN đã ở mức 6,7%. Nếu trong thời gian áp dụng lệnh cấm nhập khẩu tạm thời, các DN VN còn tái phạm, họ sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu vĩnh viễn.

- Thưa ông, việc tôm nhập khẩu từ VN bị nhiễm kháng sinh cấm đã bị phía Nhật Bản phát hiện và cảnh báo từ ngày 20-9-2006, nhưng tình hình không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Liệu giải pháp “tạm ngưng xuất khẩu để chấn chỉnh” lần này có khắc phục được?

- Lần này, Bộ Thủy sản có biện pháp mạnh hơn. Cụ thể là sẽ kiểm tra kháng sinh cấm trong tất cả các lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu. Kiểm tra kháng sinh cấm trong 100% lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản của những DN có lô hàng bị thị trường Nhật Bản phát hiện dư lượng kháng sinh cấm kể từ sau ngày 24-11-2006. Đồng thời sẽ cập nhật danh sách DN có lô hàng vi phạm đưa lên website. Rà soát lại và đăng ký danh sách tất cả các DN đủ điều kiện mới được phép xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Tóm lại, trước tình hình “nóng bỏng” hiện nay, Bộ Thủy sản quy định tất cả các DN xuất khẩu tôm sang Nhật phải đăng ký qua Cục Quản lý Chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản - Bộ Thủy sản (Nafiqaved). Hiện tại trong tổng số 31 DN có lô hàng bị cảnh báo, có 22 DN đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, 2 DN chưa đạt và có đến 7 DN chưa xác định được là đơn vị sản xuất hay công ty kinh doanh. Chính điều này dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát. Chỉ một vài DN làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu chung của cả nước.