| Mỗi kilôgram tôm thương phẩm từ 80.000 - 150.000 đồng thật sự hấp dẫn người nuôi, dẫn đến tình trạng khan hiếm tôm giống. |
Cung không đủ cầu
Năm 2008, toàn huyện Phước Long chỉ có 1.410ha nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, con số này vào năm 2009 đã tăng lên trên 5.000ha. Việc phát sinh diện tích nuôi tôm càng xanh đột biến dẫn đến nguồn tôm giống không đủ cầu.
Để thả nuôi 2ha tôm càng xanh trên ruộng lúa, ông Nguyễn Văn Hưng - ấp Phước Thọ, xã Phước Long, huyện Phước Long - đến tận Cần Thơ để tìm mua giống, vì tại địa phương đã hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn mua được giống tốt bởi diện tích tăng cao, nhu cầu con giống lớn, trong khi khả năng đáp ứng nguồn giống tại chỗ có hạn.
Kỹ sư Trần Thanh Hải - Phó Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Phước Long - cho biết: "Trung tâm Giống nông nghiệp - thủy sản huyện mỗi năm chỉ sản xuất khoảng 600 ngàn con tôm càng xanh giống. Để đảm bảo nguồn tôm giống cung ứng trong dân, địa phương đã chủ động kết hợp với các trại sản xuất giống ở Cần Thơ, nhưng mỗi năm các trại này chỉ cung ứng tối đa khoảng 5-6 triệu con tôm giống, trong khi để đáp ứng cho 5.000ha cần đến 50 triệu con giống (1ha thả 10.000 con, mật độ 1 con/m2). Như vậy, khả năng cung ứng giống thông qua các nguồn đảm bảo chỉ đáp ứng được khoảng trên 10% nhu cầu giống của địa phương trong vụ mùa năm nay".
Tại huyện Giá Rai, diện tích tôm càng xanh trên ruộng lúa tăng gấp 5 lần so với năm 2008. Hiện toàn huyện có gần 5.000ha mặt nước có nhu cầu nuôi. Ông Liên An Lộc - Phó phòng NNPTNT huyện - cho biết: " Tại Giá Rai hiện chưa sản xuất được tôm càng xanh giống, các hộ dân tự tìm nguồn giống cho mình và không thông qua ngành chuyên môn nên rất khó kiểm soát".
Từ đầu tháng 7.2009 đến nay, vụ nuôi tôm càng xanh chính thức bắt đầu, vì vậy nhu cầu con giống trở nên bức xúc hơn. Do địa phương không cung ứng đủ nguồn giống, nên nhiều thương lái vì lợi nhuận đã nhập tràn lan nguồn tôm giống về địa phương để bán lại cho dân.
Nuôi cả tôm không rõ nguồn gốc
Theo nhiều người dân cho biết, tôm càng xanh không rõ nguồn gốc này được các thương lái đến tận ao nuôi tiếp thị. Gần như không có điểm nào khác biệt so với tôm càng xanh giống tại Cần Thơ, Bến Tre nên ngay cả các kỹ sư thủy sản cũng khó phân biệt được bằng mắt thường.
Theo ông Liên An Lộc, trong năm 2008 và đầu vụ nuôi tôm năm 2009, có nhiều hộ dân mua tôm giống trôi nổi đã bị thiệt hại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại các huyện Giá Rai, Phước Long... có rất nhiều thương lái vận chuyển tôm càng xanh giống, mà người nuôi nơi đây cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc và Thái Lan về bán cho người dân ở địa phương. Hiện tại, giá bán các loại tôm giống như thế chỉ vào khoảng 110-120 đồng/con so với giá 130-140 đồng/con của tôm giống được sản xuất tại địa phương và Cần Thơ. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được các cơ quan chức năng tại Bạc Liêu kiểm chứng.
Được biết, trong nhiều năm qua, những hộ nào mua con giống ở địa phương đều nuôi thành công, lợi nhuận cao; còn ngược lại, những hộ nào mua "nhầm" tôm không rõ nguồn gốc, hiệu quả sản xuất không cao.
Mô hình nuôi tôm càng xanh thật sự phát triển tại Bạc Liêu vào năm 2008. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp chưa quy hoạch vùng nuôi cũng như chủ động sản xuất con giống. Một lần nữa, nông dân đi trước các nhà quy hoạch. Bài học con tôm sú vẫn còn đó, bây giờ đến con tôm càng xanh đi vào vết xe đổ nếu Bạc Liêu không định hướng cho người nuôi. Khan hiếm con giống mới chỉ là cái dốc nhỏ.
|