00:00 Số lượt truy cập: 2998820

Con đường nào cho bò sữa Việt Nam? 

Được đăng : 03/11/2016

 Sự phát triển nhanh chóng của thị trường sữa tươi đang đưa ngành chăn nuôi bò sữa đến với cơ hội vàng. Đây cũng là lúc cần hoạch định kế hoạch phát triển tổng thể, bền vững cho ngành sữa.


Lịch sử bò sữa Việt Nam khởi đầu khi người Pháp mang theo những con bò vào miền Nam phục vụ quân đội viễn chinh. Từ ngày giành độc lập, ngành nông nghiệp nước nhà liên tục nỗ lực phát triển đàn bò sữa. Tuy nhiên, những khó khăn về thời tiết (bò sữa là vật nuôi vùng ôn đới), giống bò, công nghệ, bò sữa chưa phát triển mạnh. Thậm chí, theo nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Việt Nam không thể phát triển bò sữa là "định kiến" của lãnh đạo và giới chuyên gia trong thời gian dài. 

TH true MILK - "cô bò khoẻ" sinh sau đẻ muộn 

Muốn phát triển đàn bò phải vượt qua thách thức về khí hậu nhiệt đới nóng ẩm phổ biến ở nước ta. Tập đoàn TH (thương hiệu sữa TH true MILK) là minh chứng hùng hồn cho hướng đi đó. Tại Nghĩa Đàn, Nghệ An (nhiệt độ cao, khí hậu khắc nghiệt), TH áp dụng công nghệ cao (CNC) của Israel để tạo ra một vùng tiểu khí hậu mát mẻ. 

Trại có mái che bằng tôn lạnh 3 lớp, cao hơn 10m. Không chỉ là mái che đơn thuần, các chuyên gia nước ngoài thiết kế chuồng trại thông qua đo đạc hướng gió, góc chiếu của mặt trời, độ nghiêng của mái một cách tinh vi, giúp hạ nhiệt 3-50C. Bò được tắm mát, quạt gió hàng ngày; thậm chí nghe nhạc (kích thích cho nhiều sữa), uống nước đạt tiêu chuẩn cho người. 

Chíp (trong hình tròn) là bộ phận quan trọng để kiểm soát đàn bò tại trang trại của TH.
Chíp (trong hình tròn) là bộ phận quan trọng để kiểm soát đàn bò tại trang trại của TH.

Trên những cánh đồng đất đỏ bazan, đầy nắng, cỏ, ngô, cao lương, hoa hướng dương lớn như thổi dưới những cánh tay tưới tự động; thu hoạch bằng máy móc hiện đại. Trị giá mỗi ha cánh đồng nguyên liệu được tính khoảng 500 triệu-1,5 tỷ đồng/ha/năm; trong khi đó, mục tiêu đang được Nhà nước đặt ra cho mỗi ha nông nghiệp là 50 triệu đồng.

Năng suất sữa tại TH đạt 9-10 tấn sữa/con/năm (trung bình 40 lít sữa/con/ngày; cá biệt có con 60 lít/ngày), cao hơn trung bình chung của cả nước (6-7 lít/ngày). Tại hội thảo quốc tế về ngành sữa mới đây, ông Yuval, chuyên gia từ Israel cho rằng, Israel có khí hậu bán sa mạc, nhờ CNC có thể nuôi được bò sữa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khí hậu tại Nghĩa Đàn, Nghệ An thuận lợi hơn, với công nghệ hiện đại, hoàn toàn có cơ hội thành công. 

Sau 3 năm có mặt trên thị trường, TH true MILK khẳng định là thương hiệu sữa Việt gần gũi, có chất lượng quốc tế, hình thức sang trọng. Tổng doanh thu của TH true MILK đến nay đạt 6.000 tỷ đồng, xóa tan quan điểm Việt Nam không thể phát triển bò sữa. Vì thế, bà Thái Hương- Chủ tịch TH đề nghị sớm đưa bò sữa thành vật nuôi chủ lực và xem CNC là chìa khoá vàng cho ngành sữa Việt.

Không làm quy mô lớn, khó thành công

Nên phát triển bò sữa theo quy mô lớn, tập trung bằng CNC hay chăn nuôi nông hộ là vấn đề đang được thảo luận. Với dân số nông thôn đông, chưa chuyển dịch sang lĩnh vực khác, các chuyên gia, lãnh đạo ngành nông nghiệp (như nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp… ) cho rằng vẫn nên tiếp tục duy trì mô hình chăn nuôi nông hộ tại những vùng có khí hậu mát mẻ để tăng thu nhập cho nông dân.

Với việc đầu tư CNC bài bản bằng số vốn lớn (tổng giá trị của dự án 1,2 tỷ USD), TH là doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất sữa duy nhất được cấp chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng CNC. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chỉ đầu tư vài hạng mục, chưa được cung cấp chứng nhận này đã quảng bá hình ảnh CNC. Vì thế, TH đề nghị Chính phủ, các bộ ngành kiểm soát việc công bố thông tin này, hỗ trợ các doanh nghiệp có đầu tư bài bản quảng bá. Đây cũng là biện pháp giúp ngành sữa phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Ở những vùng có khí hậu nhiệt đới, sự tham gia trực tiếp của nông dân đối diện nhiều thách thức. Trong đó, đặc thù của cánh đồng nhiệt đới nước ta là có nhiều vi sinh vật có hại nên không thể nuôi bò theo lối chăn thả như châu Âu, buộc phải triển khai mô hình chăn nuôi tập trung, áp dụng CNC, đầu tư lớn. Ngoài ra, mô hình nuôi bò nông hộ đứng trước thách thức về sự đồng đều của chất lượng sữa và biện pháp bảo quản.

Điều này được khắc phục bằng mô hình quản lý đàn bò như của TH. Cụ thể, chất lượng sữa do thức ăn cho bò quyết định nên TH chọn khẩu phần ăn của bò đến 200 nghìn đồng/ngày/con để đảm bảo sữa có chất dinh dưỡng tốt, phù hợp với người Việt. 

Hơn 35.000 con bò của TH (tăng 45.000 con vào đầu năm 2014) được quản lý bằng máy tính thông qua chíp (được ví như con mắt thần) gắn dưới chân mỗi con bò. Nếu bò bị viêm vú (một bệnh thường gặp, làm sữa bị lẫn với máu khi vắt), mắt thần sẽ phát hiện được trước 4 ngày, loại ra khỏi khoang vắt. Khi vắt, nếu vi lượng trong sữa một con bò nào đó không đảm bảo cũng lập tức được đưa ra khu chăm sóc đặc biệt. 

Công nghệ sau vắt là một đòi hỏi cao của ngành sữa. Ở TH, sữa sau khi ra khỏi bụng bò được dẫn vào một quy trình khép kín (sữa có độ đạm cao, dễ bị vi khuẩn xâm nhập) và ngay lập tức được hạ xuống -20C để bảo quản. Quy trình quản trị đó không chỉ giúp TH kiểm soát năng suất, chất lượng sữa mà tránh được rủi ro, thất thoát trong vận hành.

Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, nếu tiếp tục sản xuất quy mô hộ gia đình, không thể đưa công nghệ cao vào và sẽ không có nền nông nghiệp thành công. "Bài học của lúa gạo đã thấy, năng suất gạo của chúng ta rất lớn, hàng năm xuất khẩu đến 7, 8 triệu tấn nhưng giá thấp vì chất lượng gạo không đảm bảo, không quản lý được toàn bộ quy trình sản xuất. Cho nên đối với nuôi bò sữa, tốt nhất chúng ta nên sản xuất theo quy mô công nghiệp, doanh nghiệp quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất từ khâu trồng cỏ đến chế biến rồi bán ra thị trường" - Bộ trưởng Quân nói.


Bài toán về quỹ đất chính là khó khăn lớn nhất trong những mô hình như TH. Bà Thái Hương-Chủ tịch TH cho biết, hiện Tập đoàn đang sử dụng đất của nông lâm trường, không lấy đất của nông dân. Với những nông trường viên trước đây, Tập đoàn triển khai nhiều phương án hỗ trợ (tuyển dụng vào làm công nhân (khoảng 2.000 người), trao học bổng cho con em học đại học, tặng bò để xóa nghèo…). 

Bà Chủ tịch TH đề nghị, tới đây Chính phủ và các bộ ngành cần thu hồi đất tại các nông lâm trường sử dụng kém hiệu quả, hoang hóa để giao cho doanh nghiệp nuôi bò sữa. Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: "Chúng ta phải suy nghĩ theo tinh thần đổi mới, đã làm nông nghiệp phải đáp ứng được quy mô. Quy mô hiện nay gắn với đất nông lâm trường. Nếu chúng ta không xử lý được, cứ ôm chặt lấy đất, không bao giờ phát triển được".

Chủ tịch TH cũng cho biết, khi mô hình bò sữa CNC của TH hoạt động ổn định, trong giai đoạn sau, TH sẽ "lôi kéo" nông dân cùng phát triển vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò. Tỷ lệ tham gia của nông dân trong công đoạn này dự kiến khoảng 40%. Đây cũng là giải pháp để TH phát triển ngành sữa một cách hài hoà, đúng theo mục tiêu không tối đa hoá lợi nhuận mà đi đến hợp lý hoá lợi ích - một mục tiêu nhân văn, kiên định của TH đặt ra ngay từ khi thành lập.