Con nghêu đã và đang là mạch sống, là kỳ vọng của hàng vạn người dân vùng ven biển Bến Tre. Nâng cao giá trị kinh tế con nghêu bằng một thương hiệu mạnh, giải quyết được đầu ra bền vững cho con nghêu, điều đó đồng nghĩa với việc xóa đói giảm nghèo có căn cơ cho biết bao người dân.
Chiều dần buông, chúng tôi ra bãi nghêu Thới Thuận. Bãi nghêu rộng hơn 900ha này nằm ven biển huyện Bình Đại, là một trong những bãi nghêu lớn nhất và làm ăn hiệu quả nhất tại Bến Tre.
Hạt ngọc quê biển
Anh Nguyễn Quốc Dũng - chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủy sản Rạng Đông, đơn vị quản lý bãi nghêu Thới Thuận trên 10 năm qua - cho biết: “Bãi nghêu có chiều dài hơn 10km, rộng hơn 5km, sản lượng khai thác hằng năm khoảng 8.000 tấn nghêu giống lẫn nghêu thương phẩm. Nguồn nghêu giống tại đây cung cấp cho cả nước - anh Dũng nhấn mạnh - Coi vậy chớ con nghêu khó tính lắm nghen. Không phải bãi biển nào cũng nuôi nghêu được...”.
Chúng tôi lội ra xa đến cồn Ông Bái. Từ cồn Ông Bái nối dài qua đến cồn Chài Mười dài khoảng 7km, đó chính là vùng rốn của “mỏ nghêu” Thới Thuận. Trước mắt tôi là hàng trăm người đang cào, bắt, đãi nghêu cho sạch cát rồi vào bao và vác nghêu đến tàu, giao sản phẩm. Về hướng bên trái, phía cồn Chài Mười, hoạt cảnh chiều trên bãi nghêu còn sinh động, đông đúc người hơn... Tôi leo lên tàu thu mua nghêu, quan sát toàn cảnh. Anh Tư Long, nhân viên HTX Rạng Đông, cho biết: “Mỗi thùng nghêu là 20kg. Bắt được một thùng nghêu HTX trả công 60.000 đồng. Người giỏi mỗi buổi bắt 8-10 thùng...”.
“Ngày nào cũng bắt, bắt quanh năm?” - tôi hỏi. Anh Long giải thích: “Mùa chướng khai thác nghêu không thuận lợi so với mùa nam (từ tháng 3-10 âm lịch). Mùa nam nước biển lớn, ròng rõ rệt. Trong những tháng mùa nam, qua hai con nước (ngày rằm và ba mươi) người ta sẽ bắt nghêu thành hai đợt, mỗi đợt 5-7 ngày liên tiếp tùy con nước ròng xoay vòng. Hễ nước ròng, bất kể ngày đêm, HTX sẽ tổ chức khai thác nghêu...”. Tôi tính gọn: như vậy vào các đợt khai thác nghêu, mỗi buổi một lao động bắt khoảng năm thùng nghêu cũng có được 300.000 đồng.
Con nghêu ven biển Bình Đại và tại Bến Tre nói chung có thịt trắng, mập, ăn ngon ngọt, giàu dinh dưỡng. Từ con nghêu, doanh thu hiện nay của riêng HTX thủy sản Rạng Đông là trên 40 tỉ đồng/năm. Và đặc biệt nhờ những “hạt ngọc” này mà gần 1.500 hộ xã viên tại đây có việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định. Các công trình điện, cầu, đường, trường, trạm, nhà tình nghĩa, tình thương... tại Thới Thuận có được cũng từ nội lực của con nghêu.
Cùng với bãi nghêu Thới Thuận, Thừa Đức (Bình Đại), các bãi nghêu ven biển Ba Tri và Thạnh Phú được Chương trình kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể loại hai mảnh vỏ (Bộ Thủy sản cũ) công nhận là vùng nuôi an toàn, được phép xuất khẩu vào thị trường khó tính châu Âu. Hiện nguồn nghêu tại Bến Tre đang là đối tượng được Hội đồng Biển quốc tế xem xét cấp chứng nhận thương hiệu MSC.
Quản lý cộng đồng “mỏ nghêu”
Con nghêu trong những năm |
Con nghêu là tài nguyên thiên nhiên phong phú đã có từ lâu tại Thới Thuận. Bãi nghêu trước đây trải qua nhiều mô hình quản lý nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre và hướng dẫn của Hội đồng Liên minh các hợp tác xã Bến Tre, ngày 2-7-1997 HTX thủy sản Rạng Đông chính thức được thành lập nhằm thực hiện việc quản lý, khai thác và tiêu thụ nghêu. Đặc trưng của HTX thủy sản Rạng Đông là: từng hộ gia đình trong xã Thới Thuận là xã viên và được hưởng một phần nguồn tài nguyên thiên nhiên theo kết quả khai thác được.
Những năm đầu HTX hoạt động, nhiều vụ việc rối ren, nóng bỏng đã xảy ra ở “mỏ nghêu” Thới Thuận. Bài học và cũng là kinh nghiệm đầu tiên trong quản lý “mỏ tiền” (do con nghêu đem lại) đã làm bí thư, chủ tịch xã và một số người (tất cả sáu người) bị cách chức, bắt giam. Lúc đó do ăn chia không công bằng, người dân nơi đây không đồng tình việc người nơi khác đến bắt trộm nghêu giống lẫn nghêu thịt, phá nát, gây hại nghiêm trọng môi trường bãi nghêu. Trước tình hình trên, một đại hội bất thường (nhiệm kỳ 2000-2002) bầu ban chủ nhiệm mới của HTX đã được tiến hành. Đại hội bầu ra 13 người trong hội đồng quản trị. Ông Nguyễn Quốc Dũng (Sáu Đen) được bầu làm chủ nhiệm HTX thủy sản Rạng Đông từ đó đến nay.
Mô hình HTX mới với cách thức quản lý tập thể theo nguyên tắc: quản lý dân chủ - bình đẳng - cùng có lợi đã giúp cán bộ, xã viên thể hiện rõ quyền làm chủ tập thể của mình, giải quyết được việc làm cho nhân dân lao động, môi trường bãi nghêu được gìn giữ tốt là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển rõ rệt.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre (nguyên phó giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre) Trần Thị Thu Nga cho biết: “Từ kinh nghiệm mô hình tổ chức, quản lý cộng đồng trong khai thác, tiêu thụ nghêu và bảo vệ môi trường nuôi thủy sản có hiệu quả của HTX thủy sản Rạng Đông, nhiều HTX sau đó như HTX thủy sản Đồng Tâm (Bình Đại), HTX thủy sản An Thủy, Tân Thủy (Ba Tri), HTX thủy sản Đoàn Kết (Thạnh Phong, Thạnh Phú)... đã được thành lập và làm theo cách thức của HTX thủy sản Rạng Đông. Nhiều HTX đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi con nghêu tại tỉnh nhà”.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 10 HTX thủy sản với 8.744 hộ xã viên và 35 tập đoàn nuôi nghêu. Đến nay tổng diện tích các bãi nghêu tại huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú được các HTX, các tập đoàn đưa vào khai thác là 9.600ha (trong khoảng 15.000ha có thể phát triển nuôi nghêu). Tổng sản lượng nghêu (giống, thịt) dao động từ 8.000-27.000 tấn/năm. Theo bộ phận thống kê nuôi thủy sản Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, năm 2004 các bãi khai thác được 27.000 tấn nhưng năm 2007 chỉ còn 8.500 tấn và năm 2008 dự kiến là 9.000 tấn. Tại các HTX trên, lợi nhuận chia theo ba mức: góp vốn của xã viên, doanh thu theo định mức công lao động bắt nghêu và quỹ phúc lợi. Hằng năm, ngoài việc được phân chia lợi nhuận theo nhân khẩu, hộ khẩu, các lao động chính còn được trả lương theo định mức...
Khi tôi hỏi về tình trạng trộm cắp nghêu diễn ra dai dẳng tại các bãi nghêu thuộc xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, huyện biển Thạnh Phú giờ ra sao, ông Tư Sang - một xã viên của HTX thủy sản Thạnh Lợi - lộ rõ niềm vui: “Trước đây, việc trộm cắp nghêu ở các “mỏ nghêu” tại địa phương là có “tay trong tay ngoài”, chính một số xã viên đã thông đồng với người từ bên ngoài đến... Hai năm gần đây nhờ cách thức quản lý cộng đồng, ăn chia công bằng, việc trộm nghêu, phá hại môi trường sống của nghêu ở các bãi nghêu lớn tại xã Thạnh Phong, Thạnh Hải đã giảm hẳn.
Đường đến MSC
Trong hai ngày 15 và 17-10-2008, khi nhiều đài, báo trong nước đăng tin “nghêu Bến Tre được chứng nhận tiêu chuẩn thương hiệu MSC”, tôi đến gặp phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Hiếu (nguyên giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre) để chia vui, nhưng ông Hiếu nói: “Hiện hồ sơ đang được thẩm tra lần cuối với số điểm đạt được rất cao. Hi vọng đến tháng 2-2009, nghêu Bến Tre sẽ chính thức được cấp thương hiệu MSC”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (phụ trách thủy sản) Lương Lê Phương cũng cho tác giả biết như thế. |
Hội đồng Biển quốc tế MSC (Marine Stewardship Council) là tổ chức thế giới về khai thác thủy sản bền vững. Loài thủy sản nào được Hội đồng Biển quốc tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thương hiệu MSC danh giá sẽ được thị trường nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, tin tưởng. Tại VN chưa có loài thủy sản nào được cấp thương hiệu MSC và nếu con nghêu Bến Tre được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn thương hiệu MSC thì đây là loài thủy sản đầu tiên tại Đông Nam Á có được thương hiệu mạnh này. Ngoài ra, khi được cấp thương hiệu MSC, nghêu Bến Tre sẽ được MSC dành cho những cơ chế bảo hộ, bảo tồn và phát triển đặc thù.
Công ty giám sát bảo tồn biển (Moody Marine) là đơn vị đánh giá độc lập về nguồn lợi thủy sản được MSC mời đến Bến Tre để thẩm tra, đánh giá về nguồn lợi con nghêu theo các tiêu chí của MSC. Nếu đạt, con nghêu Bến Tre sẽ được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn thương hiệu MSC.
Nhiều năm qua, các nhân viên của Moody Marine đã đến Bến Tre mười lần để thẩm tra, đánh giá tại các bãi nghêu. Lần thứ 10 là vào thượng tuần tháng 8-2008. Ông Andrew Hough, giám đốc Moody Marine, đã đến HTX thủy sản Rạng Đông và HTX Đoàn Kết thẩm tra sát sao lần cuối về các quy định của Nhà nước về quản lý nguồn lợi nghêu, bảo vệ môi trường, phương pháp thu hoạch, phân phối, cách thức bảo tồn nguồn lợi nghêu bố mẹ, nghêu giống, các bước thực hiện truy xuất nguồn giống, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, các quyền lợi của xã viên, ý thức của người dân địa phương về nâng cao vai trò quản lý và bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên theo các tiêu chí của MSC.
Qua thẩm tra, ông Andrew Hough đánh giá: “Tất cả xã viên đều tham gia quá trình quản lý của HTX - ông nhấn mạnh - Tôi đã đi đánh giá và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới, phải nói rằng các nhà quản lý thủy sản tại Bến Tre là những người thật tâm huyết và có tư duy tính toán hiệu quả trong quản lý nguồn lợi thủy sản tại địa phương. Tôi tin rằng con nghêu Bến Tre sẽ sớm được cấp chứng nhận đạt chuẩn thương hiệu MSC...”.
Cũng theo ông Andrew Hough, từ lần thẩm tra đánh giá cuối cùng đến khi được cấp thương hiệu MSC sớm nhất là sáu tháng. Như vậy rất nhiều triển vọng con nghêu Bến Tre sẽ được cấp thương hiệu MSC vào quý 1-2009.