Cá hô (tên khoa học Catlocarpio Siamensis) thịt rất thơm ngon, xuất hiện ở nhiều nơi nhưng tập trung nhiều nhất ở sông Vàm Nao, đoạn chảy qua các huyện Châu Phú, Chợ Mới (An Giang). Do nạn đánh bắt tràn lan nên số lượng cá hô ngày càng giảm...
Khi loài cá này trên đà tuyệt chủng, có tên trong sách đỏ thì may mắn thay, các cán bộ ở Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (xã An Thái Trung, H.Cái Bè, Tiền Giang) đã tạo được kỳ tích khi cho chúng sinh sản nhân tạo thành công. Thạc sĩ Thi Thanh Vinh, cán bộ trung tâm cho biết từ năm 2005 - 2007 trung tâm đã chuyển giao cá hô giống cho các hộ dân nuôi thử nghiệm. Qua thời gian dài theo dõi, bầy cá hô luôn phát triển tốt, năm 2008 trung tâm quyết định cung ứng cá hô giống cho những ai có nhu cầu nuôi. Cơn sốt nuôi cá hô thực sự bắt đầu.
Theo ông Vinh, hiện nay trung tâm lưu giữ 3 bầy cá hô, trong đó bầy cá bố mẹ sinh sản 90 con, một đàn hậu bị trên 140 con, một đàn sinh sản nhân tạo hàng trăm con, tỷ lệ ương ép cá hô đạt trên 39%. Một con cá hô giống tùy kích cỡ giá dao động từ 3.500 - 7.000 đồng/con. Cá hô nuôi 3 năm đạt trọng lượng 5 - 6 kg/con, từ năm thứ 3 trở đi cá tăng trọng nhanh. Hiện giá cá hô khoảng 80.000 đồng/kg đối với cá dưới 5 kg/con, từ 5 kg trở lên giá tăng thêm mỗi kg là 100.000 đồng.
Cá hô tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ |
Ông Vinh nhẩm tính, năm 2008 trung tâm đã cung ứng 200.000 cá giống cho các hộ nuôi cá, các trung tâm khuyến nông ở Đồng Nai, Cà Mau, Sóc Trăng, Hải Phòng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp... Năm 2009 chưa thống kê cụ thể nhưng lượng cá giống cung ứng cũng đang rất cao. Nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp nuôi bằng 2 hình thức: trong bè và xen canh trong ao. Theo kinh nghiệm của ông Vinh, cá hô nuôi bè tăng trọng nhanh hơn so với nuôi ao.
Nói về giá cá hô, ông Trần Hồng Ưng - chủ doanh nghiệp cá giống Ba Ưng huyện Châu Thành A (Hậu Giang) phấn khởi: “Cá nuôi mới giáp năm chưa lớn là bao nhưng mấy nhà hàng vùng này đã đặt trước”. Ông Ưng là người kinh doanh cá nên không lạ gì các món ăn ngon “thần sầu” chế biến từ cá hô. Năm 2008, hay tin trung tâm bán cá giống, ông Ưng không đắn đo mua ngay 1.000 con. Ông kể: “Cá hô ăn mồi vào lúc đêm. Tưởng ăn uống cầu kỳ lắm nhưng tới khi nuôi mới biết nó ăn rất đạm bạc. Cho ăn thức ăn viên công nghiệp, bèo, cám, rau cải băm nhỏ nó đều ăn tuốt”. Theo ông Ưng, bầy cá mạnh như... voi nên mỗi khi kéo lưới bắt chúng kiểm tra rất khó. Thấy ông Ưng nuôi cá hô, một số hộ lân cận đã mạnh dạn mua hàng trăm con thả nuôi xen với các loài cá khác, hay thả nuôi trên ruộng trong mùa nước nổi.
Còn tại An Giang, ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Công ty Nam Long đã thả nuôi 5.000 cá hô theo mô hình công nghiệp. Tiếp theo, ông Nam và 4 hộ dân khác cũng thả nuôi cá hô gần 2.000 con. Không riêng gì các vùng nước ngọt, mà vùng nước mặn lợ như Bạc Liêu, Cà Mau cũng nuôi thử nghiệm cá hô. Tháng 7.2009, Trại thực nghiệm giống thủy sản nước ngọt Bạc Liêu đã mua hơn 100 con giống thả nuôi với niềm tin nếu bầy cá hô thích ứng môi trường sẽ phát triển cho người dân nuôi đại trà. Còn ông Nguyễn Bé Năm, Trưởng trạm Khuyến nông Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết tỉnh vừa mua 600 cá hô giống nuôi thí điểm tại địa phương, nếu thành công sẽ khuyến khích người dân đầu tư nuôi cá hô.
Theo ông Thi Thanh Vinh, do cá hô to, vóc dáng hùng dũng nên nhiều người cũng liên hệ trung tâm mua cá hô về thả bồn như nuôi cá kiểng. Tuy nhiên, ông Vinh đã tư vấn không nên nuôi cá hô trong bồn bởi chúng còn là loài cá hoang dã, nhát bóng người. Nếu thấy bóng người chúng hay chạy hoảng đâm đầu vào bồn bị trầy trụa mỏ khiến cá xấu đi. Do đó, muốn nuôi cá hô kiểng trong các hồ phải xây nhiều hang hốc cho cá trú ẩn.