00:00 Số lượt truy cập: 2666749

Công cụ sạ tỉa TH3 

Được đăng : 03/11/2016

TH3(viết tắt của 3 chữ: tỉa hạt - theo hàng - tổng hợp) là công cụ sạ tỉa sáng tạo hiệu quả của hai tác giả Tô Hồng Quân và Đặng Văn Tiễn ở huyện Mộc Hóa (Long An). Công cụ đã thực nghiệm thành công trên các loại ruộng lúa đồng bằng, sau thời gian đưa vào sử dụng thực tế đã được các ngành chức năng đánh giá rất phù hợp với chương trình "3 giảm 3 tăng" trong phát triển nông nghiệp khu vực Đồng Tháp Mười.


Khởi đầu, anh Quân thấy rằng người nông dân sạ lúa bằng tay tốn kém công, giống, chi phí cao. Nghe đài quảng cáo công cụ sạ hàng, anh chú ý theo dõi và thấy công cụ sạ hàng ra đời đã giúp nông dân sạ theo hàng, chi phí thấp hơn. Công cụ sạ hàng rất hay nhưng chỉ sạ lúa theo hàng mà không theo lỗ, theo cụm như cấy được. Anh thấy có tổ sản xuất lúa giống mấy chục ha mà không sử dụng công cụ sạ hàng. Hỏi ra thì mới biết lý do sạ hàng không sản xuất giống được. Hay ở vùng Bến Lức, Cần Đước vụ lúa mùa cũng cấy, không dùng sạ hàng vì mật độ còn dày.

Tại sao chế ra sạ hàng được mà không chế ra sạ cụm để ứng dụng cho tất cả các loại lúa, kể cả lúa giống, lúa mùa? Suy nghĩ này nhiều đêm theo anh đi vào giấc ngủ và anh quyết tâm sáng tạo ra loại máy để giải quyết các khó khăn trên.

Hàng ngày đi làm thuê cho nhà máy xay xát lúa, khi đổ lúa vào máy và coi gạo xuống, anh thấy cù đài máy chà (hệ thống có dây chuyền phễu mút lúa đưa lúa lên cao) và suy nghĩ liên tưởng đến bộ phận phân phối hạt giống của công cụ gieo hạt mà mình đang suy nghĩ. Rồi tình cờ, anh gặp Đặng Văn Tiễn là bạn thân, anh nói ý tưởng chế tạo máy sạ hạt theo cụm mà mình nghĩ cho Tiễn nghe. Tiễn nghe xong rất tán thành và tỏ ý ủng hộ, 2 người cùng nhau bàn bạc cách làm rất hăng say.

Ban đầu 2 anh đến cơ sở gia công cơ khí Bình Hiệp ở Mộc Hóa nhờ làm máy theo ý tưởng của mình. Sửa đi sửa lại nhiều lần, cuối cùng cơ sở cũng làm ra được một hộp mẫu và không chịu làm giúp nữa vì quá mất thời gian. Anh lại cất công đem ý tưởng lên tận TP Hồ Chí Minh nhưng cũng không có cơ sở nào chịu làm. 2 anh bàn với nhau: muốn làm được chỉ có cách tự mua máy về nhà làm thôi. Rồi Quân và Tiễn cùng bỏ tiền ra hùn nhau mua máy tiện, máy khoan, máy hàn, máy cắt, máy ven răng… Mặt bằng đã có mẹ Quân cho mượn đất để làm. Qua thời gian nghiên cứu mày mò, cái máy đầu tiên đã ra đời và anh được 1 người bạn cho mượn ruộng thử nghiệm trong vụ đông xuân 2001-2002. Lúc đầu máy có 3 bánh xe, đi xuống ruộng bị ngập bùn nhưng hạt ra đều đặn. Anh được bà con góp ý phải làm sao cho máy nhẹ hơn, bánh xe to hơn. 3 tháng sau, vụ Hè thu 2002, máy được các anh cải tiến nâng bánh lên 650 và được đưa về ruộng của gia đình anh Quân sạ thử 3ha. Máy vẫn còn nặng và dùng 3 bánh nhưng mật độ sạ khá tốt, sạ chỉ 45kg/ha. Bấy giờ gia đình chưa tin sạ vậy là tốt, sợ ít giống quá sẽ thất mùa, vả lại đã ngâm mọng sẵn 70kg/ha rồi nên đem máy sạ dậm thêm 2 ha với số giống 80kg/ha. Kết quả thửa sạ máy 45kg/ha lúa trúng hơn 2 thửa còn lại. Lúc đó gia đình mới tin sạ ít giống năng suất vẫn cao.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm của máy làm các anh vẫn chưa thực sự hài lòng. Phải làm sao cho máy nhẹ hơn và hạt lúa rơi đều đặn, thông suốt không ngập ngừng. Để cho hạt lúa giống rơi thông, anh đã mày mò nghiên cứu, đưa thanh khuấy động vào phễu. Ban đầu thanh khuấy mạnh, phải qua rất nhiều lần chỉnh lò so đến khi được lò so hoàn chỉnh như bây giờ, thanh khuấy rất êm. Để cho máy nhẹ, các anh đã nghiên cứu xem các bộ phận nào phải thay thế cho nhẹ hơn: một là thay bánh sau bằng thanh lắc (bộ ổn định). Hai là thay dĩa sắt. Ban đầu dĩa bằng sắt nặng, sau đó thay bằng gỗ. Nhưng gỗ dễ biến dạng, khi kéo gặp trở ngại, thế là tác giả nghĩ đến nhựa. Anh dùng nhựa phế liệu nấu chảy rồi đổ khuôn cho nguội, sau đó cắt gọt nhưng tốn rất nhiều, lại đúc lâu. Nghe giới thiệu thị trường có bán thanh nhựa, anh đã tìm mua về gọt tạo dĩa thay dĩa sắt.

Đến nay, hộp phân phối và dụng cụ gieo hạt thành cụm (nếu dùng cho ruộng lúa là công cụ sạ tỉa cho ruộng lúa) đã rất hoàn chỉnh. Từ ý tưởng đến sản phẩm, mỗi bộ phận của công cụ đều được sửa đi sửa lại nhiều lần, thử nghiệm nhiều lần, nhiều nơi, nhiều địa hình mới được như ngày nay. Các tác giả đã đăng ký độc quyền sáng chế, được công nhận hợp lệ và cấp giấy chứng nhận. Hiện công cụ đang được Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tấn Vương sản xuất và bán ra thị trường, được bà con nông dân các nơi chấp nhận và ủng hộ./.