Công nghệ “thổi” trọng lượng gia cầm
Được đăng : 03/11/2016
Người bán bơm đầy tạp chất vào diều vịt để tăng trọng, người mua ngay sau đó lại bóp diều vịt lấy hết tạp chất ra trước mặt người bán một cách vui vẻ rồi chở vịt về TP.HCM. Trước khi phân phối cho các chợ, người mua lại bơm đầy tạp chất vào diều vịt!
Nguồn cung gia cầm sống
Theo lời các lái buôn gia cầm, nếu họ mua gia cầm đã giết mổ ở công ty sẽ được cấp giấy kiểm dịch, còn mua gia cầm sống thì không. Bởi vậy, khi bày bán ở TP bị lực lượng chức năng bắt là mất trắng. Nhưng có một thực tế là hầu hết các lái buôn đều chỉ mua gia cầm sống từ công ty này về bán, rất ít người mua gia cầm đã giết mổ.
Để kiểm chứng lời của các lái buôn, nhiều ngày cuối tháng 4, PV âm thầm ngược xuôi bám theo những lái buôn gia cầm. Khá vất vả vì phải bám theo những xe gắn máy lái buôn chạy xé gió từ TP.HCM đi miền Tây trên QL1A. Khi vừa qua hết địa phận TP.HCM khoảng 2 km, các lái buôn lần lượt quẹo trái vào một con đường đất đỏ bụi mịt mù. Tiếp tục chạy khoảng 700m, họ phóng thẳng vào chi nhánh Công ty TNHH TM N.S (Công ty N.S), thuộc địa phận xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Tiếp tục "thường trực" tại cổng Công ty N.S nhiều ngày liền, PV chứng kiến hằng ngày không chỉ những xe gắn máy chở đầy ắp gia cầm sống chạy từ Công ty N.S về TP.HCM, mà còn có rất nhiều xe gắn máy cũng đầy ắp gia cầm chạy từ bên ngoài vào Công ty N.S. Qua tìm hiểu, PV mới biết Công ty N.S là một đầu mối "trung chuyển" gia cầm. Những chiếc xe đầy gia cầm chạy vào Công ty N.S là của lái buôn mua gom từ các hộ nhỏ lẻ ở các huyện lân cận như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức… sau đó mang bỏ sỉ cho Công ty N.S.
Chuyện kỳ dị
Để tìm hiểu thực tế bên trong công ty N.S xem quy trình kiểm dịch cũng như nơi trung chuyển gia cầm sống, PV Thanh Niên vào vai lái buôn gia cầm. 2 giờ sáng một ngày đầu tháng 5, với chiếc xe cà tàng cùng 3 giỏ xách còn vương phân gà, PV bám theo những lái buôn gia cầm đang "đua" tốc độ trên QL1A hướng từ TP về miền Tây. Được một lái buôn chỉ đường, PV chạy thẳng vào Công ty N.S, qua khu giết mổ vào nơi gửi xe (không có vé nhưng lúc ra phải trả 5 ngàn đồng) của khu bán gia cầm sống. Gửi xe xong, PV lẽo đẽo xách 3 giỏ theo các lái buôn vào khu bán gia cầm sống. Dù còn rất sớm nhưng rất nhiều lái buôn từ thành phố đã có mặt để lựa mua gia cầm nhằm kịp chuyển về TP tiêu thụ vào phiên chợ đầu ngày.
Ở bên trong Công ty N.S có hai khu riêng biệt là khu giết mổ và khu bán gia cầm sống. Khu bán gia cầm sống nằm sâu phía trong, là một nhà xưởng ước khoảng 2.000m2, có phân ra khoảng 100 quầy bán gà, vịt san sát nhau, sàn quầy kê bằng gỗ. Gia cầm được cột chân hoặc nhốt trong lồng đặt ở sàn gỗ. Kẻ bán, người mua, tiếng gia cầm kêu ỏm tỏi. Dưới sàn gỗ, nền đất nhơm nhớp, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dạo một vòng để hỏi giá các loại gia cầm, mới biết giá ở đây khá mềm, như gà ta 70 ngàn đồng/kg, vịt trắng 27 ngàn đồng/kg, vịt cỏ 35 ngàn đồng/kg…
Trong khu bán gia cầm sống, PV phát hiện ra chuyện lạ ở đây.
Ở quầy gà của bà S. có hàng trăm con gà chen nhau trong 2 chiếc lồng chật hẹp. Bên ngoài hai thanh niên đang thoăn thoắt với công việc bơm xác củ mì vào diều gà bằng một chiếc bơm tự chế, gồm một đoạn ống nước làm thân bơm, vòi bơm bằng nhựa mềm hoặc cao su to bằng ngón tay cái. Một thanh niên ngồi xổm dưới đất cầm từng con gà, tay vành mỏ gà để người thanh niên ngồi trên lồng gà nhét vòi bơm ngập sâu khoảng 20 cm vào họng gà. Sau đó, tay thanh niên ngồi trên lồng gà, tay giữ đầu gà với ống nhựa, tay múc tạp chất đổ vào thân bơm, rồi nhấn mạnh cần bơm cho tạp chất đầy ứ diều gà. Cứ như vậy, mỗi con gà chỉ tốn vài giây để bơm 200 - 300 g tạp chất vào diều.
Người bán cắm ống nhựa vào sâu trong họng vịt rồi đổ tạp chất vào chai nhựa, cứ thế tạp chất dồn đầy diều vịt…
Đấy là công nghệ bơm cho gà. Còn với vịt, do cổ họng vịt to hơn nên họ áp dụng công nghệ đơn giản hơn: một chai nhựa đã cắt đáy (hoặc phễu), miệng chai gắn một ống nhựa. Người bán cắm ống nhựa vào sâu trong họng vịt rồi đổ tạp chất vào chai nhựa, cứ thế tạp chất dồn đầy diều vịt… Tại quầy của bà H., một thanh niên thành thục các công đoạn: một tay vành mỏ vịt, tay còn lại cầm ống nhựa tống vào cổ họng vịt khoảng 20 cm. Sau đó, anh ta thoăn thoắt múc đầy ca củ mì đã hòa nước ở chiếc xô bên cạnh đổ vào miệng phễu gắn trên ống nhựa. Trong tích tắc, nước củ mì chui tọt vào diều vịt. Cứ như vậy, hết con này đến con khác, mỗi chú vịt bị tống vào diều một ca nhựa nước lẫn tạp chất. "Mỗi ca từ 3 đến 4 lạng đó cha", người thanh niên trả lời khi PV hỏi. Những chú vịt sau khi bị tống đầy tạp chất vào diều, xếp nằm la liệt dưới sàn gỗ chờ lái buôn đến lấy.
Một lái buôn tên H. ở TP.HCM xuất hiện, mua đến phân nửa số vịt ở quầy bà H. Không nói không rằng, chờ cân vịt xong, anh ta tay phải cầm chú vịt vừa mới đổ tạp chất, bóp mạnh vào diều, tay còn lại cầm cổ vịt hất thật mạnh xuống chiếc chậu nhôm khiến toàn bộ tạp chất bên trong diều vịt phun hết ra ngoài. Thấy công việc làm ngược lại với người thanh niên đổ tạp chất vào diều vịt, PV đến gần và thắc mắc thì được H. giải thích. "Ông là lái mới đúng không. Cách đây 3 năm tôi cũng như ông nên không biết gì cứ tống hết vịt đã được đổ đầy tạp chất vào giỏ rồi mang về TP. Báo hại mỗi lần như vậy làm toi vài ba con. Sau đó mấy chiến hữu chỉ cách phải nặn hết tạp chất trong diều vịt ra như thế này này (vừa nói vừa thao tác hướng dẫn) thì trên đường đi xa vịt mới an toàn. Riêng gà thì phải chịu, bởi cổ họng gà bé nên không nặn tạp chất ra được. Khi về đến nơi, trước khi mang ra chợ ta lại tống tạp chất vào, tống nhiều thêm tí để bù tiền mua củ mì, bã đậu là huề. Có mất gì đâu!".
Đúng là người buôn bán chả mất gì như H. nói, chỉ có vịt, gà bị hành hạ man rợ và người tiêu dùng bị móc túi khủng khiếp. Đó là chưa kể mầm dịch bệnh từ nguồn gia cầm chưa qua kiểm dịch luôn rình rập…