Trung Quốc là một nước có số dân làm nông nghiệp đông nhất thế giới, khoảng 900 triệu người. Phần lớn trong số họ là những người nông dân nghèo, không có điều kiện mua sách, báo để đọc, trao đổi kiến thức.
Ðể nâng cao tri thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, kiến thức xã hội, đời sống tinh thần và tăng thêm thu nhập cho người nông dân, tại nhiều địa phương trong cả nước, chính quyền các địa phương đang thực hiện xây dựng công trình văn hóa mang tính chất công ích hướng tới phục vụ người nông dân - công trình "Phòng sách nhà nông", với hy vọng trong thời gian năm năm tới thông qua việc xây dựng hơn 200 nghìn "Phòng sách nhà nông" tại những vùng nông thôn tập trung tương đối đông nông dân và những làng xã đông dân trong khắp cả nước, Trung Quốc sẽ giải quyết được tình trạng nông dân gặp khó khăn không có điều kiện mua và mượn sách báo để đọc.
Hiện nay ở Trung Quốc việc nông dân muốn có sách, báo để đọc không dễ dàng vì giá cả lại quá cao, vượt quá mức chi tiêu của nhiều người nông dân. Muốn mượn sách, báo để đọc, chung quanh khu vực sinh sống có rất ít, thậm chí không có thư viện. Do sức mua của người nông dân có hạn, nên số lượng ấn phẩm tài liệu sách báo xuất bản về "tam nông" cũng rất ít. Theo quan chức Nhà xuất bản Tân văn Trung Quốc, năm 2005 loại ấn phẩm sách, báo về "tam nông" Trung Quốc xuất bản chỉ có hơn 3.800 chủng loại so với hơn 200 nghìn chủng loại ấn phẩm xuất bản mỗi năm. Nhằm giải quyết vấn đề này, từ năm 2007, Trung Quốc bắt đầu thực hiện công trình "Phòng sách nhà nông" trong phạm vi cả nước. Mục tiêu giai đoạn giữa kỳ của công trình này là trong vòng năm năm dần dần xây dựng được cơ chế lâu dài về việc cung cấp, cho mượn, sử dụng và đọc sách, báo, tài liệu, ấn phẩm văn hóa cho người nông dân, làm cho mạng lưới phát hành xuất bản sách, báo vươn tới khu vực nông thôn và các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn khác. Việc xây dựng công trình "Phòng sách nhà nông" với nguồn ngân sách chính là của Chính phủ. Cách thức vận hành của "Phòng sách" là theo phương thức quản lý của người nông dân, tự phục vụ mình, tiêu chuẩn xây dựng do các địa phương tự định ra trên nguyên tắc mỗi "Phòng sách nhà nông" phải có ít nhất 1.000 đầu sách, thư tịch để cung cấp và cho bạn đọc đến mượn đọc; tạp chí, tập san, các ấn phẩm ra định kỳ phải có từ 30 loại trở lên; băng, đĩa điện tử có ít nhất 100 băng đĩa các loại.
Cam Túc là một trong những tỉnh phát động thí điểm xây dựng công trình "Phòng sách nhà nông" tương đối sớm ở Trung Quốc. Hiện nay tỉnh này đã xây dựng được gần 300 "Phòng sách nhà nông". Theo những người nông dân ở làng Trư Chủy Lĩnh (một thôn chuyên trồng rau và hoa ở tỉnh Cam Túc), nhu cầu học hỏi kỹ thuật sản xuất nông nghiệp của họ là rất nhiều và rất cần thiết, nhưng trước đây làng này chưa có "Phòng sách", chỉ có thể học trên vô tuyến truyền hình. Ðầu năm nay, sau khi "Phòng sách" của thôn mở cửa phục vụ nông dân, vào thời gian nghỉ trưa hay buổi tối họ có thể đến "Phòng sách" đọc sách, báo, xem băng đĩa hình, học tập được nhiều điều bổ ích, tri thức sản xuất nông nghiệp liên quan. Hiện nay, tại "Phòng sách nhà nông" ở thôn Trư Chủy Lĩnh có hơn 5.000 đầu sách, thư tịch và 300 đĩa vi-đê-ô, trong đó có nhiều loại phổ biến giới thiệu những kỹ thuật sản xuất nông nghiệp giúp đỡ người nông dân thoát nghèo, làm giàu qua trồng trọt các loại giống cây nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm, gia công hàng nông sản... bên cạnh đó cũng có các loại ấn phẩm văn hóa giáo dục, pháp luật, tài liệu về sức khỏe, y tế, sách truyện cho thiếu niên nhi đồng. Nhân viên quản lý "Phòng sách" là cán bộ văn thư của thôn do dân bầu lên.
Công trình "Phòng sách nhà nông" được nông dân hoan nghênh, đặc biệt là lớp trẻ ở nông thôn, kể cả trẻ em, vì đây cũng là nơi để các em tìm đến đọc sách, truyện và trao đổi kiến thức văn hóa, xã hội vào những lúc rỗi rãi và thời gian nghỉ hè.