00:00 Số lượt truy cập: 3048815

Cục Thú y: Khẩn cấp dập dịch lợn tai xanh ở Hà Tĩnh 

Được đăng : 03/11/2016
Cục Thú y vừa ban hành công điện khẩn nhằm triển khai biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch tai xanh ở lợn tại tỉnh Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, tình hình dịch tai xanh (hay hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn - PPRS) tại tỉnh Hà Tĩnh đang diễn biến rất phức tạp. Tính hết ngày hôm qua, dịch đã xuất hiện tại sáu xã của huyện Cẩm Xuyên; Thạch Hà và TP Hà Tĩnh với tổng số lợn mắc bệnh lên tới hơn 1.800 con.

Để khống chế và ngăn chặn dịch tai xanh, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh đề nghị tỉnh Hà Tĩnh thực hiện một số biện pháp cấp bách.

Với các địa phương có dịch, cần tiêu huỷ ngay số lợn mới mắc và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, không chờ  kết quả xét nghiệm, không chữa trị.

Cấm đưa lợn, sản phẩm từ lợn chưa qua xử lý, chế biến chín ra vào vùng dịch khi chưa công bố hết dịch.

Khoan vùng và thống kê số lượng lợn trong vùng dập dịch, lập chốt kiểm dịch ở trục giao thông và hạn chế người ra vào vùng dịch.

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn xã, huyện có dịch tại khu vực chăn nuôi, lối ra vào vùng dịch, khu vực tiêu huỷ hoặc chôn lấp lợn bệnh.

Công bố dịch tại các địa phương đang có dịch. Đối với thôn xã  mới xảy ra dịch lần đầu thuộc huyện đang có dịch phải báo cáo cấp thẩm quyền để ra quyết định công bố dịch, tiêu huỷ ngay toàn bộ số lợn đầu tiên có dấu hiệu bị bệnh, không để chữa trị.

Những địa phương chưa có dịch cần lập các trạm tại các đường giao thông chính hoạt động 24 giờ trong ngày để kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đưa vào tỉnh, tiêu huỷ và xử phạt trường hợp vận chuyển trái phép.

Chính quyền thôn xã, các tổ chức đoàn thể, ngành chức năng liên quan cùng ngành nông nghiệp có trách nhiệm giám sát, phát hiện nhằm theo dõi diễn biến dịch bệnh trên đàn lợn tại địa phương. Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu mắc bệnh phải khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêu huỷ toàn bộ số gia súc đã mắc bệnh ngay khi số lượng còn ít.

Tuyên truyền để người dân thực hiện ba không: Không giấu khi lợn bệnh, không bán chạy lợn, không vứt xác lợn chết bừa bãi, đồng thời công bố thông tin rộng rãi về triệu chứng bệnh để nhân dân biết và báo cáo với chính quyền địa phương.

Hướng dẫn người chăn nuôi quanh vùng dịch thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, tiêm vaccine phòng các bệnh phổ biến trên lợn như bệnh tụ huyết trùng, bệnh tả, bệnh phó thương hàn.

Như vậy, dịch tai xanh đã tái xuất sau hơn một tháng được khống chế thành công trên cả nước.

Trước đó, ngày 22-2, Cục Thú y cho biết, dịch lợn tai xanh đã chính thức được khống chế trong cả nước do tỉnh cuối cùng còn dịch là Bạc Liêu không phát sinh gia súc mới mắc bệnh.

Dịch tai xanh xuất hiện đầu tiên tại Hải Dương vào tháng 3-2007, sau đó lan ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Riêng năm 2007 đã có ba đợt dịch xuất hiện và được khống chế thành công.