Các nhà nghiên cứu cho thấy những loài thuỷ cầm hoang dã (đặc biệt là vịt trời) là ký chủ chính cho những chủng virus mà những chủng này có thể trở thành chủng độc lực cao gây chết cho gia cầm công nghiệp. Nhưng điều còn ít được biết là trong thực tế, những chủng virus đó đã lây lan trong thuỷ cầm như thế nào.
Gergely Hegyi (Trường Đại học Eotvos Lorand - Budapest, Hungary) và các cộng sự đã nhận thấy việc phối giống có khả năng làm lây lan virus.
Phần lớn vịt là những cặp “đơn giao”, nhưng vịt đực thường cưỡng bức vịt cái để giao phối vì (khác với những loài chim khác) chúng có dương vật. Điều này dẫn đến sự “chạy đua” về tiến hoá (biến thái) giữa đực và cái, trong đó, con đực có dương vật càng dài càng tốt để thụ tinh cho con cái, còn con cái thì biến thái giải phẫu học để có âm đạo phức tạp hơn để không tiếp nhận sự thụ tinh của những con đực mà nó không thích.
Nhóm nghiên cứu trên nhận thấy việc phối giống tự nhiên có thể đưa virus vào đường sinh dục vịt mái, đến tận nơi trứng đang phát triển và nhiễm virus cho phôi gia cầm trước hoặc trong quá trình ấp nở. Những con vịt dương vật nhỏ và tính dục “đã thuần hoá” thì có nguy cơ nhiễm cúm cao nhất. Còn những con mái có âm đạo dài và cấu tạo phức tạp (hoặc xoắn ngược chiều xoắn của dương vật - ND) thường khó được thụ tinh nhưng virus cũng khó vào được tới vị trí trứng rụng để lây nhiễm.
Những trình bày trên đây giải thích vì sao đỉnh cao của lây nhiễm cúm gia cầm thường xảy ra vào mùa phối giống. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng động tác giao phối cũng có thể làm lây nhiễm cúm do đẩy nước đã nhiễm virus vào đường sinh dục vịt mái, từ đó virus vào gặp tế bào trứng rồi lây nhiễm cho phôi trước hoặc trong quá trình ấp nở. Điều này thường xảy ra ở vịt mái có cấu tạo âm đạo ít phức tạp.
Ngoài ra, những vịt đực dương vật nhỏ có độ phủ cánh rộng và lông nhiều màu, chúng có nguy cơ làm lây lan virus nhiều hơn và cần tập trung theo dõi những quần thể này.